700 dự án chậm triển khai, Hà Nội xử lý như thế nào?

17/04/2023 ,16:16
Trước thực trạng 700 dự án có sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai (với tổng diện tích đất được giao hơn 5.000 ha), UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, địa phương rà soát, phân loại, quyết liệt xử lý tồn tại này.

Từng được kỳ vọng là những dự án, công trình, tổ hợp hiện đại, tạo dấu ấn trong kiến trúc đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô… nhưng sau nhiều năm triển khai, nhiều dự án đang trở thành “điểm đen đô thị”. Đó có thể kể đến Dự án Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ; Dự án Sky Garden Towers (phường Định Công, quận Hoàng Mai); Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai…

Được động thổ từ năm 2012, nhưng sau hơn 10 năm, Dự án chung cư 28 tầng Sky Garden Towers (phường Định Công, quận Hoàng Mai) chỉ là khối bê tông, sắt thép khổng lồ phơi mưa, phơi nắng. Nguyên nhân được xác định là do năng lực tài chính hạn chế của chủ đầu tư.

Cùng với đó là những sai phạm trong quá trình triển khai dự án. Hàng trăm khách hàng đã lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” khi ký hợp đồng tham gia góp vốn, đóng tiền mua nhà, nhưng nhiều năm nay, chủ đầu tư “bặt vô âm tín”. “Đất đẹp, đất vàng như này mà để công trình hàng chục năm nay dang dở gây nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, lãng phí. Chúng tôi đề nghị phải có hướng dứt khoát…”, ông Hồ Văn Long, người dân phường Định Công bức xúc nói.

 

Dự án Sky Garden Towers vẫn “bất động”. (Ảnh: Báo Xây dựng)

 

Cùng tồn tại ở quận Hoàng Mai là Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Năm 2004, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định thu hồi trên 35ha đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao Tổng công ty xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) tổ chức điều tra, lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Nhưng đến nay, Khu đô thị chủ yếu vẫn nằm trên giấy, hoang hóa, rác rưởi và không ít diện tích sử dụng sai mục đích.

Tương tự, tại quận Tây Hồ là Dự án Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) với diện tích 60.000m2, phê duyệt đầu tư năm 1995; Dự án xây dựng nhà ở và văn phòng làm việc (gọi tắt là dự án IDC), phê duyệt đầu tư năm 1999. Hơn 20 năm nay, sau cái “gật đầu” của chính quyền thành phố Hà Nội, 2 dự án lớn từng được kỳ vọng là điểm nhấn trong kiến trúc đô thị, làm thay đổi diện mạo khu vực quận Tây Hồ lại trở thành dự án “treo” từ năm này qua năm khác.

Ông Hoàng Xuân Sáng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Tây Hồ cho biết, các dự án này toàn ở vị trí đất có giá trị. Trung tâm mong muốn thành phố, Trung ương sớm có giải pháp để vừa khai thác hiệu quả quỹ đất vừa đảm bảo mỹ quan đô thị…

Dự án Trấn Sông Hồng hay Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt chỉ là 2 trong số 700 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội. Thực trạng này đã để lại rất nhiều hệ luỵ về mặt kinh tế - xã hội. Chính quyền thành phố cũng nhiều lần thể hiện sự rốt ráo xử lý tồn tại này, nhưng kết quả vẫn chưa được bao nhiêu.

Theo đánh giá của HĐND thành phố Hà Nội, việc chậm triển khai kết luận giám sát là do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của UBND thành phố chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc và kiểm tra.

Trong buổi làm việc với một số quận, huyện mới đây, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn; kiên quyết thu hồi, chấm dứt và hỗ trợ thu hồi các dự án chậm triển khai, không để tình trạng chây ỳ kéo dài.

Người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cũng yêu cầu thống kê, phân loại các dự án theo quy định, lựa chọn địa phương còn tồn tại nhiều dự án để kiểm tra, rà soát. Trước mắt tập trung kiểm tra, xử lý các dự án lớn chậm triển khai và phân cấp, phân rõ trách nhiệm cho từng đơn vị…/.

 

Theo Huy Nam

VOV

Tin cùng danh mục

Tin mới nhất