Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đồng ý bán nhiều bất động sản của gia đình để khắc phục hậu quả, song đề nghị tòa không kê biên biệt thự cổ trị giá 700 tỷ đồng "để bảo tồn".
Ngày 15/3, TAND TP HCM tiếp tục thẩm vấn bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và một số người có quyền, nghĩa vụ liên quan để giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án.
HĐXX thông báo đã xác định được một số bất động sản, tài sản có giá trị lớn do bà Lan và gia đình đưa vào giải quyết hậu quả của vụ án, trong đó có căn biệt thự cổ diện tích gần 3.000 m2 tại số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3.
Bà Lan cho biết, trước đây mua căn biệt thự ở trung tâm Sài Gòn với giá 700 tỷ đồng, song đây là biệt thự cổ để bảo tồn nên đề nghị HĐXX không kê biên vì "không mua bán được, mà phải bảo tồn". "Xin trả lại cho con tôi và gia đình để cháu nó sữa chữa, bảo tồn di tích cho Việt Nam", bà Lan nói.
Trong phiên tòa trước đó, bà Lan từng đề cập đến tòa nhà Capital Place tại Hà Nội, giá trị khoảng một tỷ USD và con gái đang rao bán để nộp tiền khắc phục vụ án.
Chủ tọa cho biết đã nhận được văn bản của con gái bị cáo là Chu Duyệt Phấn, trình bày đang có người trả 360 triệu USD chứ không phải một tỷ USD. Và tòa nhà này đang thế chấp vay của 4 ngân hàng nước ngoài số tiền 230 triệu USD, nên sau khi bán sẽ trả nợ các ngân hàng, số tiền còn lại dùng để khắc phục hậu quả trong vụ án.
Bà Lan trình bày: "Đã có người trả giá tòa nhà 400-500 triệu USD...". Chủ tọa cắt lời: "Ai trả số tiền này, bị cáo đưa thông tin đây, HĐXX sẽ tạo điều kiện cho bị cáo chứ không phải cứ nói vậy là xong".
Đối với khách sạn Daewoo Hà Nội, bà Lan cho biết đây là tài sản của Công ty cổ phần Bông Sen, gia đình bị cáo có 73% cổ phần. Con bà cũng đề nghị bán khách sạn này để lấy tiền khắc phục.
Cũng trong đơn gửi tòa, con gái bà Lan đề cập một công ty bảo hiểm có đối tác mua lại cổ phần của bà Lan với giá 40 triệu USD - tương đương 920 tỷ đồng. Sau khi bán, gia đình sẽ đưa tiền này vào khắc phục hậu quả.
Đối với tập đoàn nhà máy sản xuất vacine trước đây bà Lan đầu tư 315 tỷ đồng, con gái bà nói sẽ chuyển nhượng toàn bộ cho một đối tác với giá bằng giá trị đầu tư ban đầu để thu hồi tiền.
Sau phần thẩm vấn bà Lan, HĐXX hỏi đại diện ủy quyền của Công ty Gia Tuệ, Lâm Đồng. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, trước đây có giao kết chuyển nhượng 2 dự án ở Hồ Tuyền Lâm cho một công ty của Vạn Thịnh Phát, với giá 960 tỷ đồng.
Thời điểm đó, phía công ty của Vạn Thịnh Phát mới trả 672 tỷ đồng. Nay, Công ty Gia Tuệ đề nghị tòa xem xét hủy hợp đồng, hoàn trả lại số tiền nói trên cho phía bà Lan - tương đương với 6 bất động sản đã được kê biên.
Đối với phần tài sản liên quan Công ty cổ phần xe khách Phương Trang, HĐXX thông báo, Công ty Thành Hiếu (thuộc tập đoàn Phương Trang) là chủ đầu tư 3 dự án, thiếu nợ bà Lan 450 tỷ đồng, nên Phương Trang đã chuyển nhượng Công ty Thành Hiếu cho bà Lan với giá 3.450 tỷ đồng. Đơn vị đã chuyển toàn bộ giấy tờ pháp lý, con dấu để phía bà Lan điều hành nhưng Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới thanh toán được 1.250 tỷ đồng. Vì vậy, phía Phương Trang đề nghị sẽ trả lại số tiền trên, còn phía bà Lan trả lại dự án cho họ.
Tuy nhiên, trả lời HĐXX, đại diện Phương Trang khẳng định đã chuyển nhượng Công ty Thành Hiếu cho 3 người khác chứ không phải chuyển nhượng cho bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát. Bà Lan chỉ là người giới thiệu 3 người này cho Phương Trang. Do vậy, Công ty Thành Hiếu và 3 dự án không liên quan đến Vạn Thịnh Phát nhưng đang bị phong tỏa, đề nghị HĐXX gỡ phong tỏa để tiếp tục thực hiện dự án.
HĐXX cho biết sẽ triệu tập 3 người mà phía Phương Trang nhắc tới để làm rõ.
Phiên xử kết thúc phần xét hỏi. Đến ngày 19/3 tiếp tục với phần tranh luận.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022) đã sử dụng SCB như công cụ tài chính, đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nêu quan điểm trong phiên tòa chiều 14/3, đại diện SCB không đồng ý với số tiền thiệt hại của vụ án như các cơ quan tố tụng xác định ở trên. SCB yêu cầu và Lan và đồng phạm bồi thường cho ngân hàng tổng số tiền thiệt hại tính đến ngày 5/3 (xử sơ thẩm) là hơn 760.000 tỷ đồng (hơn 482.000 nợ gốc, 277.830 tỷ đồng lãi) và lãi phát sinh cho đến khi nào SCB thực nhận được tiền.
Ngoài ra, SCB cũng đề nghị 6 nội dung khác, trong đó có việc được toàn quyền quản lý sử dụng các tài sản là vật chứng trong vụ án, 1.166 mã tài sản bà Lan và nhóm Vạn Thịnh Phát đang thế chấp tại SCB cho các khoản vay để đảm bảo cho việc xử lý nợ. Trong trường hợp không tự thỏa thuận được với người liên quan thì sẽ yêu cầu cơ quan thi hành án hỗ trợ...
Quá trình xét xử, bà Trương Mỹ Lan và chồng Chu Lập Cơ đã nhờ luật sư viết đơn kiến nghị gửi HĐXX, trình bày hiện tại còn nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nợ tiền. Các bị cáo có nguyện vọng để con gái Chu Duyệt Phấn đại diện gia đình đi thu hồi số tiền này để dùng khắc phục hậu quả của vụ án. Bị cáo và luật sư đề nghị HĐXX cho chuyển đơn đến con gái của bị cáo để có cơ sở thông báo ý kiến của vợ chồng bà Lan cho những người có liên quan để thu hồi tiền.
Những tài sản đã thu hồi, kê biên
Quá trình điều tra, Bộ Công an đã rà soát, truy thu theo dòng tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của bà Lan và người liên quan; tài khoản, tài sản đứng tên những bị can hoặc cá nhân được nhờ đứng tên để thu hồi, kê biên, phong tỏa nhằm đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.
Ở nhóm ngân hàng, cơ quan điều tra đã thu giữ tổng cộng gần 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD. Trong đó có 14,5 triệu USD trước đó bà Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Greenhill Village, để nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do Việt làm chủ đầu tư.
Hồi tháng 10/2022, sau khi được cơ quan điều tra mời làm việc, Việt đã liên hệ với người liên quan để giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận của bà Lan. Cụ thể là hơn 116 tỷ đồng (khoảng 4,8 triệu USD) và 9,75 triệu USD.
Cảnh sát thu giữ 190.000 USD của Trần Văn Hùng, nhân viên dọn dẹp, vệ sinh căn hộ của bà Lan tại tòa nhà Sherwood ở quận 3, TP HCM. Số tiền này nằm trong hộp giấy chứa tài liệu của bị can Chu Duyệt Phần (con gái bà Lan).
Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã tự nguyện chuyển gần 415 tỷ đồng - một phần trị giá trong tổng số hơn 120 triệu cổ phần công ty mà bà Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ.
Nhà chức trách cũng phong tỏa gần 2.000 tỷ đồng, gần 8,5 triệu USD; ngăn chặn giao dịch đối với số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.
Kê biên tổng cộng 1.237 bất động sản liên quan bà Lan, bao gồm hàng loạt tòa nhà ở quận 1, 3, 5...; kê biên 857 triệu cổ phần SCB, hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô...
Đối với nhóm hành vi Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra đã thu tổng cộng hơn 25 tỷ đồng và hơn 5,3 triệu USD; sổ tiết kiệm, nhiều sổ đỏ và các đồ vật khác.
Đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Cao Trí, cơ quan điều tra đã kê biên 7 bất động sản (trị giá hơn 266 tỷ đồng). Gia đình bị can cũng tự nguyện nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra tổng cộng 1.001 tỷ đồng.
Theo VnExpress