Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, ngày 3/3, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM đã có buổi làm việc về tình hình triển khai Nghị quyết ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 24) và Nghị quyết ngày 23/11/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tình hình triển khai các dự án giao thông kết nối tỉnh Bình Dương với các địa phương trong vùng.
Lãnh đạo 4 địa phương đã trao đổi về định hướng đầu tư, phương thức, cách làm để triển khai hiệu quả Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả Vùng và từng địa phương.
Nghị quyết 24 xác định mục tiêu đưa Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Cùng với đó, đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Trong đó, xác định Tiểu vùng trung tâm gồm TP HCM, khu vực phía nam tỉnh Bình Dương và tây nam tỉnh Đồng Nai là trung tâm phát triển của toàn vùng.
Theo định hướng, hành lang Đông Nam bộ là trục kinh tế chính của vùng, thực chất là nối từ Tây Nguyên, qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải; TP HCM đã phát triển gần lấp đầy đến đường vành đai 2. Do đó, khoảng giữa vành đai 3 và vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng Quốc gia và của vùng.
Riêng tại Bình Dương, hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4 và hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thì vùng TP HCM cần thêm một đường vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, nhanh chóng kéo giãn hành lang vận tải lên phía Bắc, theo đường vành đai 4, vòng qua Tân Uyên, Biên Hòa và đấu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; bổ sung đoạn khuyết thiếu từ Tân Uyên đến Biên Hòa. Luồng vận tải công nghiệp sẽ theo các cao tốc, quốc lộ, đại lộ, rẽ vào Vành đai 4 để cung cấp tài nguyên cho trục kinh tế Đông Nam bộ, thay thế các luồng vận tải trước nay đi theo Vành đai 2 và 3.
Việc kéo giãn này giúp Bình Dương dịch chuyển trọng tâm đô thị tỉnh lên phía bắc, dịch chuyển luồng vận tải công nghiệp lên vành đai 4 và 5, dịch chuyển không gian công nghiệp, logistics chính của tỉnh lên phía đông bắc (Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên).
Từ đó, các luồng vận tải hướng tâm vào TP HCM đa số sẽ dành cho hành khách và thương mại, đó là tiền đề cho Thuận An, Dĩ An có được khoảng không để tái thiết, chuyển dịch cơ cấu theo hướng đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, tri thức.
Các địa phương cũng đã có những đề xuất cụ thể liên quan đến các nút kết nối giao thông trong Vùng như cầu kết nối TP Thủ Đức, TP HCM với huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - An Lạc, cầu Tân Hiền - Thường Tân, Cầu Thạnh Hội 2 kết nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương; dự án vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 tỉnh Bình Dương nối tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM; đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu… Đồng thời trao đổi về việc đào tạo nhân lực chuyển đổi số, quy hoạch ven sông…
Lãnh đạo các địa phương đều thống nhất cùng nhau phối hợp chặt chẽ triển khai các tuyến giao thông kết nối liên vùng và các tuyến giao thông của mỗi địa phương nhưng có tác động vùng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thống nhất kiến nghị Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ TP HCM cũng như vùng sớm hoàn thiện các kết nối đa phương thức gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt để hỗ trợ vận tải hàng hóa, hành khách.
Ưu tiên các kết nối mới bằng đường sắt đô thị với các tuyến từ Bình Dương vào trung tâm TP HCM, sân bay Tân Sơn Nhất, theo hướng nối dài mạng lưới đường sắt trung tâm TP HCM ra vùng TP HCM, thông qua đó mở rộng các không gian phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại, du lịch, khoa học công nghệ.
Lãnh đạo TP HCM cho biết, đối với tuyến vành đai 3, TP HCM đã cơ bản hoàn thành các nội dung theo đúng tiến độ, dự kiến tháng 6 năm 2023 khởi công, năm 2025 cơ bản thông xe và năm 2026 hoàn thiện.
Khó khăn hiện nay của dự án là vật liệu, các địa phương cần phối hợp rà soát, đảm bảo nguồn và điều phối nguồn vật liệu cho dự án. Đồng thời cần phối hợp thống nhất các nội dung trong bồi thường giải tỏa, thiết kế kỹ thuật để đảm bảo tính đồng bộ của tuyến đường. Lãnh đạo thống nhất tiến độ thực hiện dự án vành đai 4.
Về nội dung phát triển đường sắt, chuyển đổi số, quy hoạch ven sông… các sở ngành sẽ tập trung nghiên cứu, tham mưu, lãnh đạo các địa phương sẽ tiếp tục có các buổi làm việc để trao đổi cụ thể các nội dung và thống nhất phương án thực hiện.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh