Tại dự thảo lần 2 của Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng chỉ đề cập cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp, thực hiện giao dịch theo pháp luật về dân sự, công chứng và phải kê khai nộp thuế theo đúng quy định.
Như vậy, so với dự thảo trước đó, Bộ đã bỏ 3 xác định cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ. Trong đó có một phương án là cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở có sẵn, nhà ở hình thành trong tương lai 3-5 nhà ở hoặc căn hộ chung cư trong một năm. Cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê công trình xây dựng có sẵn, hoặc hình thành trong tương lai từ 5-10 công trình hoặc 5-10 phần diện tích sàn tại công trình trong một năm.
Sau khi đề xuất này được công bố, một số chuyên gia đánh giá việc này có thể phần nào giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, lướt sóng bất động sản. Tuy nhiên, nó cũng có thể tạo trạng lách luật và không dễ để cơ quan quản lý giám sát số lượng bất động sản mà cá nhân giao dịch trong một năm.
Theo ông Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc xác định phạm vi kinh doanh bất động sản của cá nhân là quy mô lớn hay nhỏ có thể xem xét kết hợp cả yếu tố nguồn gốc và quy mô bất động sản. Theo đó, cá nhân sử dụng đất, nhà ở có nguồn gốc từ thừa kế, tặng hoặc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất thì vẫn có thể được tự do giao dịch dù sở hữu quy mô lớn.
Ở chiều ngược lại, những cá nhân sở hữu quy mô lớn (về số lượng và diện tích) trong thời gian ngắn (có yếu tố đầu cơ, lướt sóng) thì có thể xem xét áp dụng tiêu chí về điều kiện kinh doanh bất động sản (cần thành lập doanh nghiệp).
Ông Tuấn cho rằng đây là việc không dễ triển khai, để thực hiện cần cơ chế liên thông, kiểm soát giao dịch giữa nhiều cơ quan liên quan. "Nếu làm được việc này sẽ là cơ sở quan trọng để ngăn các cá nhân kinh doanh bất động sản núp bóng, nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người sở hữu bất động sản", luật sư này cho hay.
Theo VnExpress