Hàng nghìn người tham gia bốc thăm 150 suất mua nhà ở xã hội tại Hà Nội mới đây. (Ảnh: ThanhNien).
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trả lời về việc có tình trạng một số dự án nhà ở xã hội đang triển khai xuất hiện nhiều đối tượng trung gian, "cò mồi" mua bán kiếm tiền chênh lệch.
Theo ông Sinh, trong thời gian qua, các quy định liên quan đến nhà ở xã hội được quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi.
Bên cạnh việc ban hành những chính sách ưu đãi, Chính phủ cũng như Quốc hội đã ban hành các pháp luật liên quan đến việc xác định đối tượng thụ hưởng cũng như các điều kiện, tiêu chí công khai, minh bạch, rõ ràng để người có thu nhập thấp được hưởng các ưu đãi từ các chính sách này cũng như nhằm tránh trục lợi chính sách. Trong pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở xã hội quy định rất rõ về các đối tượng và điều kiện để được mua nhà ở xã hội.
Về trình tự tiếp nhận hồ sơ đối tượng được mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư nhà ở xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách người dự kiến mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng.
Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan (UBND huyện, Thuế, Tài nguyên) kiểm tra danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Sở này có trách nhiệm cập nhật danh sách lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng để các cơ quan có liên quan có thể kiểm tra, giám sát về đối tượng, điều kiện cũng như đảm bảo mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ nhà ở xã hội một lần.
Sau khi xác định danh sách các đối tượng được mua sẽ tiến hành tổ chức bốc thăm để mua nhà ở xã hội.
"Như vậy có thể nói, các quy định liên quan mua bán nhà ở xã hội rất đảm bảo công khai, minh bạch và chặt chẽ, tránh trục lợi trong việc thực thi chính sách và đảm bảo đối tượng được mua là đối tượng được thụ hưởng", vị này nhấn mạnh.
Ông Sinh thông tin, thời gian qua một số dự án tại một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk theo phản ánh của báo chí có những đối tượng trung gian cò mồi, lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để rao mua bán, nhằm trục lợi.
Bộ Xây dựng xác định hành vi này là một trong những hành vi chưa đúng các quy định pháp luật về nhà ở, đặc biệt là các chính sách nhà ở xã hội.
"Trước tình hình như vậy, thời gian qua Bộ đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương nơi xảy ra hiện tượng như trên có kiểm tra làm rõ các thông tin tiêu cực mà các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh; trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Nếu phát hiện thấy sai phải thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng", Thứ trưởng nói.
Về giải pháp lâu dài, theo ông Sinh, trong thời gian tới các địa phương phải khẩn trương triển khai tốt đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội này nhằm tăng nguồn cung, đáp ứng được như cầu về nhà ở xã hội của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương công bố công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng được mua nhà ở xã hội; quản lý chặt chẽ, theo dõi việc mua bán loại hình nhà ở này.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đã đề nghị các địa phương tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn.
"Phải cương quyết có biện pháp khắc phục trong trường hợp phát hiện đối tượng và những trường hợp mua bán không đúng đối tượng, buộc thu hồi nhà ở, đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư khi thực hiện các dự án xác định đúng đối tượng cũng như tiêu chí cũng như các quy định pháp luật về nhà ở đã đề ra. Đặc biệt, nắm bắt thông tin về việc mua – bán nhà ở xã hội tại dự án của mình, ví dụ mua sau 5 năm mới được bán nhưng bán trước thì phải có biện pháp kiểm tra thường xuyên và ngăn chặn tình trạng này", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh