Hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ khóa XV ngày 29-8 đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tiền đặt cọc không quá 10% giá bán
Về quy định đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhất trí với sự cần thiết có quy định này vì nếu không sẽ phát sinh nhiều rắc rối. ĐB Nga chỉ rõ thực tế, việc đặt cọc mua nhà đối với công trình hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn bởi thiếu quy định quản lý. Từ đó dẫn đến tình trạng có dự án huy động tiền cọc bằng 30%-50% tổng giá trị công trình, chủ đầu tư chiếm dụng vốn của người mua. "Nhà ở là tài sản lớn đối với người dân, nếu không quy định rõ ràng về tiền đặt cọc thì người mua sẽ mất một khoản tiền lớn" - ĐB Nga nói.
Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (TP HCM) cho rằng vai trò của công chứng không chỉ là chứng kiến giao dịch diễn ra mà còn bảo vệ quyền lợi của người mua cũng như người bán. Ảnh: PHẠM THẮNG
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với phương án số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng và thời điểm cho phép thu tiền đặt cọc là khi dự án với thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định, chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. "Những ràng buộc pháp lý như vậy vừa bảo đảm chắc chắn dự án sẽ được triển khai, không có trở ngại về pháp lý vừa tránh việc thu tiền cọc quá sớm khi dự án chưa chuẩn bị đủ thủ tục, chưa được thẩm định, kéo theo nguy cơ chủ đầu tư lừa lấy tiền cọc của người mua hoặc mất cả năm mới trả lại tiền cọc cho người mua" - ĐB tỉnh Hải Dương phân tích.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị quy định mức tối thiểu đặt cọc từ 5%-10%. Nếu số tiền đặt cọc quá thấp thì khách hàng sẽ dễ dàng bỏ cọc khi không có nhu cầu nữa và điều này đã xảy ra trên thực tế.
Giao dịch chỉ với lòng tin?
Báo cáo một số vấn đề lớn liên quan dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết theo dự thảo, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp... không nhằm mục đích kinh doanh không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Do vậy, dự luật được chỉnh sửa theo hướng không quy định về việc công chứng, chứng thực hợp đồng đối với các trường hợp này.
Theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP HCM), vai trò của công chứng không chỉ là chứng kiến giao dịch diễn ra, mà còn bảo vệ quyền lợi của người mua cũng như người bán đúng theo quy định. Bà Tuyết nêu thực tế các tài liệu, hợp đồng, hồ sơ mua bán của các doanh nghiệp, tổ chức đưa ra thường có dung lượng rất lớn và nội dung phức tạp, người dân bình thường khó hiểu hết được nội dung về nghĩa vụ, quyền lợi của mình, dẫn đến thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy, ĐB Tuyết đề nghị dự thảo luật làm rõ vai trò của công chứng trong hợp đồng giao dịch bất động sản.
"Không nên tiếp tục phó mặc người dân bước vào những giao dịch nhà ở với hành trang duy nhất là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản" - ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) gay gắt, đồng thời nhấn mạnh việc ký hợp đồng mua bán bất động sản giữa người dân và doanh nghiệp mà không yêu cầu công chứng là chưa hợp lý.
ĐB Hoàn chỉ ra cơ chế cho phép ký hợp đồng mua bán bất động sản hoàn toàn riêng tư, không có tổ chức trung gian kiểm soát đã cho thấy có nhiều bất cập thời gian qua. Hàng ngàn người dân đã bị một số doanh nghiệp lừa đảo với nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra, gây tốn tiền bạc, thời gian, thậm chí khiến một số gia đình phải gánh nợ. Vì vậy, cần quy định theo hướng hợp đồng kinh doanh bất động sản nếu có một bên là cá nhân thì phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng.
Đồng tình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng cần có một bên thứ ba đứng ra bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch, nhất là khi giao dịch có một bên là cá nhân và một bên là tổ chức kinh doanh thì cá nhân bao giờ cũng ở thế yếu hơn.
Nhà ở là mong ước của rất nhiều người lao động
ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại - dịch vụ của KCN để làm nhà lưu trú cho công nhân. Liên quan quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Đặc biệt, trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho lĩnh vực này, không nên bỏ qua một chủ thể như Tổng LĐLĐ Việt Nam.
"Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt sẽ tạo sự an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc" - ĐB Tuấn nói.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) nhắc thực tế nhiều công nhân ở KCN đang phải chịu cảnh "5 không": không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, không công trình y tế và không có điều kiện để sinh hoạt. ĐB Khải đề nghị giao cho Công đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên Công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các KCN được thuê.
Bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn
Tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch bất động sản bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch. Theo đó, nhà nước chỉ khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch này.
Theo Văn Duẩn
Người Lao Động