Chiều 5/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức sự kiện thường niên Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2024.
Đại diện VNREA tổng kết, năm 2023, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Riêng đối với thị trường bất động sản, gam màu xám của sự trầm lắng, khó khăn đã bao trùm từ sau dịch bệnh Covid-19 và đặc biệt từ giữa năm 2022 trở đi.
Các doanh nghiệp bất động sản phải đối diện chủ yếu với 3 nhóm điểm nghẽn lớn nhất về cơ sở pháp lý, nguồn vốn và quy trình, trình tự thủ tục. Số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, dừng hoạt động tăng lên, cùng với sự thụt lùi trong số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới năm 2023.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình làm nhà ở xã hội, đại diện phía các doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, công ty chỉ được phép có 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong một khu đô thị ở Thừa Thiên Huế với 8 toà nhà ở xã hội. Nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể bán được.
Ông cho rằng, việc quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ bán lại sau 5 năm đưa vào sử dụng rất khó thực hiện. “Một toà nhà của chúng tôi có 180 căn hộ nhưng có đến 140 căn còn chưa bán được thì cho ai thuê?”, Ông Thanh bày tỏ.
Trong khi đó, 140 căn hộ này để được Sở Xây dựng phê duyệt đủ điều kiện bán thì Vinaconex đã phải trải qua 4 lần xin duyệt. Bởi nếu không được Sở duyệt thì không ai mua. Hơn nữa, muốn mua nhà ở xã hội ở Huế thì những tiêu chuẩn đầu tiên để được duyệt mua nhà ở xã hội phải là thường trú ở Huế, các tỉnh đến thường trú thì không được mua.
Đặc biệt, giấy thường trú đó sẽ do phường, xã xác nhận là "không có nhà đất, tức không có sổ đỏ" thì mới được mua. Như vậy, không phải người ở Huế thì cũng không thể mua được nhà ở xã hội. Nếu phường, xã không xác nhận thì Sở Xây dựng cũng không ký, ông Thanh thông tin.
Ông Thanh cho biết thêm: “Dự án của chúng tôi có 8 toà nhà ở xã hội, với toà thứ nhất sau 4 xin duyệt thì 140 căn được phép bán, còn lại toà thứ 2 vẫn chưa được duyệt bán. Có lẽ phải đợi đến tháng 7, khi Luật mới chính thức có hiệu lực và phải bỏ quy định cư trú thì mới có thể giải quyết được khó khăn này”.
Về vấn đề phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Vinaconex nhận thấy còn gặp khó khăn liên quan đến gói vay vốn. Cụ thể, theo quy định, đất ở trong khu đô thị được làm nhà ở xã hội thì không được tiếp cận gói vay 120.000 tỷ đồng, trong khi gói hỗ trợ đó là để người dân được hưởng tiêu chuẩn xã hội nhưng lại không được vay.
"Thử tưởng tượng, nếu cho một mảnh đất ở nơi xa xôi hẻo lánh làm nhà ở xã hội thì bán cho ai? Vậy thì người nghèo mãi mãi khổ, vì không tiếp cận được khu đô thị có hạ tầng tốt nhất, có giao thông tốt nhất", ông Thanh cho hay.
Ngoài ra, người mua nhà xã hội được quyền vay ngân hàng chính sách lãi 4,5%, còn doanh nghiệp vay vẫn là 9%. Trong khi đó, chủ đầu tư không được quyền thế chấp đất làm dự án nhà ở xã hội để vay vốn. Nếu doanh nghiệp thế chấp tài sản trên đất làm nhà ở xã hội thì người dân sẽ không tiếp cận được gói vay của ngân hàng chính sách xã hội. Nguyên nhân là do nhà ở xã hội đó đã được thế chấp, ông Thanh giải thích.
Sau nhiều năm tham gia làm dự án nhà ở xã hội, đại diện Vinaconex nhận thấy rằng, làm đến đâu, vướng đến đó. Ông Thanh kỳ vọng Hiệp hội có thể ghi nhận ý kiến, chia sẻ và làm rõ hơn các vướng mắc pháp lý và kiến nghị để có chính sách tốt hơn cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.
Ghi nhận và tiếp thu ý kiến phát biểu của ông Đào Ngọc Thanh, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA cảm ơn sự cố gắng, quyết tâm của các hội viên doanh nghiệp khi vẫn gắng gượng duy trì các hoạt động cho đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, lần tới sẽ cùng Hiệp hội đặt vấn đề với Bộ Xây dựng, từ đó thúc đẩy giải quyết việc tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả hơn.
Theo Đời sống Pháp luật