Ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội
Ông đánh giá sao về thực trạng thị trường bất động sản Hà Nội hiện nay?
Trong một vài tháng qua, thị trường bất động sản Hà Nội diễn biến sôi động. Thị trường đón nhận nhu cầu thực sự về nhà ở trên toàn thành phố. Nhu cầu này phần lớn được thúc đẩy bởi tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, đang có khoảng cách giữa nhu cầu của người dân và nguồn cung nhà ở.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Hà Nội đang đón nhận nguồn vốn FDI lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và tại các tỉnh lân cận thủ đô. Nhu cầu về kho bãi, nhà xưởng xây sẵn, trung tâm logistics, trung tâm giao hàng chặng cuối, trung tâm hoàn tất đơn hàng gia tăng trong bối cảnh dịch vụ giao hàng đang phát triển mạnh mẽ.
Nhu cầu thuê văn phòng tăng lên. Thị trường này được thúc đẩy bởi nhiều công ty mới mở cửa tại Hà Nội và các công ty cung cấp dịch vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho người tiêu dùng Việt. Ví dụ như các công ty bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng và các tổ chức tài chính – dù bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng Việt Nam hay hỗ trợ gián tiếp cho họ – đều đang tận dụng sự gia tăng tài sản cá nhân, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa và mức thu nhập cá nhân ngày càng cao.
Trong lĩnh vực khách sạn, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn, với lượng khách du lịch trong khu vực và trên khắp thế giới đang quay trở lại. Các khu nghỉ dưỡng vẫn đang trên đà hồi phục. Chúng ta kỳ vọng các khu nghỉ dưỡng sẽ phục hồi hơn nữa khi các thị trường mới mở cửa trở lại. Ví dụ, đã có thông báo về các đường bay Trung Quốc và Ấn Độ đến Đà Nẵng.
Nhu cầu tăng cao, sự tự tin đã trở lại, các hoạt động kinh doanh phục hồi và các nhà phát triển bất động sản có khả năng tiếp tục triển khai các dự án. Chúng tôi cũng nhận thấy khoảng cách giữa trung tâm Hà Nội và các tỉnh khác như Hưng Yên, Bắc Ninh đã thu hẹp nhờ vào sự cải thiện về hạ tầng giao thông. Có rất nhiều dự án hạ tầng mới, từ đường sắt, cầu đường bộ, cho đến cầu qua sông. Tất cả đều cho thấy tín hiệu tích cực. Chúng tôi kỳ vọng năm sau sẽ là một năm sôi động và tích cực hơn cho thị trường bất động sản.
Sau chung cư, loại hình bất động sản nào sẽ dẫn dắt thị trường Hà Nội, thưa ông?
Các phân khúc nổi bật mà chúng tôi đang theo dõi sát sao bao gồm văn phòng, đặc biệt là văn phòng hạng A và hạng B, những tòa nhà chú trọng đến yếu tố bền vững và có chứng nhận xanh. Nhu cầu từ các công ty quốc tế và cả công ty Việt Nam đối với không gian văn phòng tốt hơn và diện tích lớn đang tăng cao. Nhờ hệ thống giao thông cải thiện, các doanh nghiệp có thể lựa chọn nhiều địa điểm hơn. Vì vậy, đã có những khu văn phòng mới tại khu vực phía Tây Hà Nội, như Tây Hồ Tây, Lạc Long Quân đang dần trở thành điểm đến văn phòng mới. Thị trường văn phòng hiện không chỉ tập trung ở khu vực Hoàn Kiếm hay khu vực trung tâm.
Ngành bán lẻ cũng đáng chú ý khi có nhiều trung tâm thương mại đang hoạt động rất sôi nổi. Nhu cầu mở rộng từ các thương hiệu bán lẻ mới ở mọi phân khúc, từ hàng xa xỉ đến tầm trung hay thời trang nhanh.
Phân khúc nổi bật nhất hiện nay phải kể đến bất động sản công nghiệp. Có một lượng lớn nhu cầu bất động sản công nghiệp. Trong vài năm tới, có thể chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển của các trung tâm dữ liệu, cũng như sự đa dạng hóa các bất động sản logistics và kho bãi trong và quanh Hà Nội. Hiện tại, các khu công nghiệp chủ yếu tập trung ngoài khu vực nội thành hoặc vùng ngoại ô, nhưng xu hướng sẽ là sự xuất hiện của các kho bãi nội thành, trung tâm hoàn thiện đơn hàng và trung tâm dữ liệu nội đô. Điều này tương tự như những gì đang diễn ra tại các quốc gia như Singapore.
Nhiều người quan niệm rằng, đầu tư bất động sản là dễ. Họ cảm thấy có nhiều kẽ hở, khoảng trống để bước vào thị trường và tìm kiếm được lợi nhuận từ đó. Đầu tư bất động sản không cần quá am hiểu, không cần nhiều kiến thức chuyên sâu. Ông có bình luận gì về quan điểm này, ở bối cảnh hiện nay quan niệm đầu tư bất động sản là dễ có đúng hay không?
Đúng vậy, bất động sản là kênh đầu tư quen thuộc nhất đối với nhiều người. Nó thường mang tính trực quan.
Mọi người có thể quan sát được khu vực nào đang phát triển nói chung, họ có thể thấy những yếu tố thúc đẩy sự phát triển đó. Chẳng hạn như một ngôi trường mới, cơ sở hạ tầng mới, một nhà ga mới, hoặc một con đường mới. Mọi người có thể tự dự đoán về những khu vực mới nổi, dù là trong Hà Nội hay các tỉnh lân cận.
Nếu biết sẽ có nhiều nhà máy mới được xây dựng thì nghĩ rằng khu vực đó sẽ bắt đầu phát triển. Hoặc khi thấy một khu vực nào được mở sân bay, xây cầu cao tốc thì ngay khi có thông tin sẽ là thời điểm tốt để bắt đầu xem xét đầu tư ở đó. Vì vậy, mọi người thường cảm thấy bất động sản là một kênh đầu tư an toàn, không dễ mất giá.
Điều này thường đúng trong hầu hết các trường hợp. Nhưng đôi khi, bất động sản có thể khó thanh khoản, khó bán nếu thị trường không tốt. Vậy nên, tôi sẽ không nói rằng đầu tư bất động sản đơn giản, không phải tất cả mọi người đều thành công và đạt được kỳ vọng.
Thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam có hấp dẫn các nhà đầu tư người nước ngoài không, thưa ông?
Đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, Việt Nam rất hấp dẫn. Các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến cơ hội mua lại và sáp nhập (M&A) các tòa nhà văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, và kho bãi. Một số nhà đầu tư nước ngoài lớn đã có mặt và hoạt động vững chắc tại đây, nhưng còn rất nhiều nhà đầu tư khác đang mong muốn tiếp cận thị trường đầu tư Việt Nam.
Ở cấp độ cá nhân, đúng là người nước ngoài cũng rất muốn tiếp cận bất động sản Việt Nam, như căn hộ tại các thành phố lớn, hoặc xem xét các khu bất động sản hàng hiệu (branded residences) ở các khu nghỉ dưỡng, hoặc trong nội thành, nơi các nhà phát triển và đơn vị vận hành khiến họ cảm thấy hài lòng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nhịp sống thị trường