Chưa bao giờ ngành bất động sản đón nhiều trợ lực về mặt chính sách như giai đoạn này. Dù vậy, thị trường hiện vẫn chưa khởi sắc như kỳ vọng.
"Khó khăn”, “mất thanh khoản”, “tắc pháp lý” là những cụm từ được sử dụng với tần suất dày đặc để nói về thị trường bất động sản và các chủ thể tham gia thị trường trong suốt nửa cuối năm ngoái đến nay.
Cũng kể từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ đã vào cuộc tháo gỡ và có nhiều chỉ đạo đáng chú ý. Trong đó phải kể đến hai Hội nghị trực tuyến được tổ chức vào sáng ngày 17/2 và chiều ngày 3/8. Bên cạnh đó, một Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vào sáng ngày 8/2. Như vậy, riêng với lĩnh vực này, tính đến nay đã có ba Hội nghị lớn được tổ chức.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký liên tiếp loạt Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách. Cụ thể, gồm: Công điện ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Công điện ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Công điện ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở; Công điện ngày 25/5/2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Mới đây nhất là Công điện số 993 ngày 24/10 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, đã có tổng cộng 5 công điện liên quan đến bất động sản được Chính phủ ban hành.
Ngoài ra, không thể không kể đến Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Một sự kiến đáng chú ý khác là ngày 17/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư số 06 và Thông tư số 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHNN nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề liên quan đến một số điều tại Thông tư 06 và Thông tư 03 để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện hiện nay.
Sau cuộc họp này, tối muộn ngày 23/8, NHNN đã ban hành Thông tư số 10 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016 (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Thông tư 10 được ban hành ngay trước thời điểm Thông tư 06 có hiệu lực. Việc NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số quy định, có nghĩa các doanh nghiệp vẫn được vay vốn để để bù đắp tài chính nếu đáp ứng đủ điều kiện vay.
Trước đó, ngày 23/4, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Cùng ngày, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021 ngày 10/11/2021 của Thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ trong các phiên họp thường kỳ thời gian vừa qua cũng không ít lần yêu cầu NHNN thúc đẩy cho vay bất động sản,...
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết tình hình thị trường bất động sản trong quý III đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm. Thị trường chuyển biến trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì chuyển biến tích cực và nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy thị trường được ban hành.
Lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý III tăng 300% so với quý II. Cụ thể, quý vừa qua có 21 dự án nhà ở thương mại với 7.633 căn được hoàn thành.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho biết có 863 dự án với 442.453 căn đang được triển khai xây dựng. Số lượng căn hộ của các dự án đang triển khai xây dựng tăng gần 107% so với quý II. Miền Bắc có 366 dự án với 282.452 căn, tại miền Trung có 377 dự án với 90.856 căn, tại miền Nam có 120 dự án với 69.346 căn.
Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít chủ đầu tư tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai, và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn.
Liên quan đến kết quả gỡ vướng các dự án bất động sản, báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy đến nay cả nước có 486 dự án bất động sản đã được gỡ vướng. Trong đó, TP HCM giải quyết được 67/180 dự án, Hà Nội giải quyết được 419/712 dự án và đang tiếp tục giải quyết 293 dự án. Các địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Còn theo đánh giá của giới chuyên môn, thị trường bất động sản chỉ mới phục hồi được khoảng 30%, đà phục hồi rõ nét hơn dự báo sẽ bắt đầu từ nửa cuối năm 2024 khi các chính sách đã thẩm thấu mạnh hơn và một số luật quan trọng được thông qua.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh