Đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng trong khu lõi Thủ đô

30/09/2023 ,11:02

Góp ý cho quy hoạch Hà Nội, nhóm chuyên gia đề xuất ý tưởng loại bỏ nhà thấp tầng (nhà riêng lẻ của khu dân sự, nhà liền kề, phân lô, bán nền) trong khu lõi của Thủ đô và xây dựng hệ thống nhà tầng hiện đại.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu khai mạc hội thảo.

 

Ngày 29/9, tại Hội thảo khoa học: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, qua các thời kỳ, Hà Nội luôn hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa và đều khẳng định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, có vị thế quan trọng trong quan hệ quốc tế. Vị thế của Hà Nội sẽ tiếp tục được khẳng định trong định hướng Quy hoạch Thủ đô giai đoạn tới.

Hà Nội hướng tới quy hoạch thêm không gian xanh dọc các tuyến sông, hồ

 

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, có 5 không gian phát triển đô thị của Hà Nội: Đô thị trung tâm, gồm 2 tiểu vùng phía Nam và Bắc sông Hồng; đô thị Hoà Lạc, định hướng phát triển thành phố khoa học - đào tạo; đô thị Sơn Tây - Ba Vì phát triển văn hoá du lịch; đô thị phía Bắc gồm Sóc Sơn và một phần Đông Anh, một phần Mê Linh; đô thị phía Nam gồm Phú Xuyên, Ứng Hoà khi hình thành sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.

Hạ thấp diện tích đất xây dựng, tăng không gian xanh

Góp ý cho định hướng quy hoạch Thủ đô, hai tác giả TS. Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội và TS. Đỗ Xuân Trọng - Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất Hà Nội nên có cơ chế, chính sách đặc thù với quan điểm, định hướng “đô thị xanh”, “đô thị hiện đại”; “đô thị tiện ích”.

Cụ thể, nhóm tác giả đề xuất ý tưởng theo hướng loại bỏ nhà thấp tầng (nhà riêng lẻ của khu dân sự, nhà liền kề, phân lô, bán nền) trong khu lõi của Thủ đô và xây dựng hệ thống nhà tầng hiện đại. Điều này vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân tại Thủ đô Hà Nội ngày càng gia tăng và mở rộng được hệ thống hạ tầng cây xanh, công viên, quảng trường...; nâng cấp được hệ thống công trình công cộng.

Để làm được điều này, trong quy hoạch sử dụng đất, cần điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết trong khu vực nội đô lịch sử để tái cấu trúc, tái khai thác giá trị, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị ở khu vực nội đô lịch sử; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở theo hướng mở rộng các dự án khu đô thị hiện đại.

PGS.TS. KTS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học kiến trúc Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần phát triển không gian theo chiều cao trên mặt đất, hạ thấp tỷ lệ diện tích đất cho xây dựng, tăng không gian xanh, không gian công cộng, bảo vệ không gian sông hồ, cảnh quan mặt nước... Mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh, xây dựng đô thị đặc sắc kết hợp cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử hòa quyện với các lợi thế cảnh quan thiên nhiên có chất lượng môi trường cao...

Đặc biệt, theo PGS.TS Lê Quân, Hà Nội cần phát triển không gian sông hồ: “Khai thác không gian hồ và các dòng sông vừa tạo cảnh quan đặc trưng riêng có của Thủ đô xanh, sinh thái, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững, vừa tạo không gian du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân đô thị”, ông Quân nói.

 

Theo Trần Hoàng

Tiền phong

Tin cùng danh mục

Tin mới nhất