Ủng hộ chủ trương thực hiện dự án tuy nhiên nhiều hộ dân tại thành phố Thủ Đức chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi giá đền bù đang mang tính cào bằng.
Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Vành đai 3 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, hiện nhiều hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi ở thành phố Thủ Đức chưa đồng ý với phương án bồi thường của địa phương, bởi mức giá bồi thường đất nông nghiệp qua thấp so với giá thị trường, kể cả khi so sánh với đất nông nghiệp tại Bình Dương trên cùng tuyến đường.
Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 9/2023, các địa phương trên địa bàn thành phố đã bàn giao mặt bằng thực hiện dự án Vành đai 3 đạt 92%; trong đó, huyện Hóc Môn đã hoàn thành 100%, các huyện Củ Chi, Bình Chánh lần lượt 97,6% và 94,6%, trong khi thành phố Thủ Đức mới bàn giao đạt 76,2%.
Dự kiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án sẽ hoàn thành trước ngày 31/12, nhưng hiện đang gặp vướng mắc về giá đền bù đất nông nghiệp.
Ủng hộ chủ trương thực hiện dự án tuy nhiên nhiều hộ dân tại thành phố Thủ Đức chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Các hộ dân cho rằng hiện nay giá đền bù đang mang tính cào bằng, giá đền bù đất nông nghiệp ở những nơi heo hút, không có đường vào được đền bù với giá khoảng 5,8-6 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù đất nông nghiệp mặt tiền đường lớn như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Tam Đa... cũng chỉ 7,6 triệu đồng/m2.
Gia đình ông Bùi Thanh Tuấn (phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức) có gần 850m2 đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án Vành đai 3.
Khu đất nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, có nhà xưởng hoạt động từ nhiều năm và là nguồn thu nhập chính của gia đình ông.
Mức giá bồi thường được thành phố Thủ Đức đưa ra cho gia đình ông là 7,6 triệu đồng/m2.
Theo ông Bùi Thanh Tuấn, mức định giá đất nông nghiệp trên địa bàn được áp từ 5,8-7,6 triệu đồng/m2 là không bám sát giá thị trường, bởi giá đất mặt tiền khu vực nhà ông đang giao dịch ở mức trên dưới 100 triệu đồng/m2.
“Với mức bồi thường 7,6 triệu đồng/m2, chúng tôi chỉ nhận được khoảng 6,4 tỷ đồng, chỉ mua được một nền đất 100m2 trong hẻm và không thể kinh doanh để nuôi sống bản thân,” ông Bùi Thanh Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Minh Thắng (phường Long Trường) cho biết gia đình có 3.300m2 đất ngay mặt tiền đường Nguyễn Xiển thuộc diện bị thu hồi.
Dù dự án Vành đai 3 được xem là kiểu mẫu về công tác đền bù giải tỏa nhưng phương án đền bù, tái định cư quá thấp.
Mức 7,6 triệu đồng/m2 cho đất trồng cây lâu năm mặt tiền đường là quá thấp vì giá thị trường đã 40-50 triệu đồng/m2.
Với mức giá trên, gia đình chỉ nhận được khoảng 23 tỷ đồng, trong khi mức giá thị trường khu đất trên là hơn 100 tỷ đồng.
Hay như trường hợp hộ bà Lê Thị Thanh Tú có hơn 5.700m2 đất trồng cây lâu năm mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh nhưng cũng chỉ được đền bù hơn 7,6 triệu đồng/m2.
Các trường hợp trên hầu hết kiến nghị xem xét, điều chỉnh lại mức bồi thường hỗ trợ trên phần đất bị thu hồi; yêu cầu có chính sách hỗ trợ di dời và tái định cư hợp lý cho người dân bị ảnh hưởng.
Thực tế, tại thành phố Thủ Đức, mức giá đền bù giữa đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư (có quy hoạch đất thổ cư), mặt tiền đường chính có khoảng cách quá lớn đối với đất thổ cư (chỉ bằng 1/10, chênh lệch khoảng 65 triệu đồng/m2).
Trong khi đó, tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất thổ chỉ 2,7 triệu đồng/m2.
Người dân có đất nông nghiệp bị thiệt thòi quá lớn, dù đất nông nghiệp đó nằm cùng tờ bản đồ, cùng thửa đất, giáp ranh, cùng mặt tiền với những khu đất thổ cư.
Nhiều hộ dân cũng dẫn chứng, so sánh cùng loại đất nông nghiệp tại Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh đã có mức giá đền bù chênh lệch lớn.
Trên trục đường Nguyễn Xiển, đất trồng cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Bình Dương (giáp Quận 9 cũ) có giá đền bù 16,7 triệu đồng/m2, trong khi tại thành phố Thủ Đức chỉ có giá đền bù 7,7 triệu đồng/m2.
Liên quan đến ý kiến của người dân về giá đền bù Vành đai 3 trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho rằng những vấn đề cử tri đưa ra về đơn giá bồi thường đất nông nghiệp chưa phù hợp, chênh lệch giữa tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh thì lãnh đạo thành phốThủ Đức đã nắm tình hình.
Theo ông Hoàng Tùng, đơn giá bồi thường là câu chuyện rất phức tạp đòi hỏi quá trình xây dựng công phu, thông qua nhiều cấp nhiều ngành để được phê duyệt.
Thành phố Thủ Đức sẽ tiếp nhận các ý kiến thêm và các vấn đề liên quan cụ thể sẽ được bàn bạc giải quyết.
Riêng Vành đai 3, Thủ Đức đã có 6 tổ công tác để giải quyết từng câu chuyện cụ thể. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm, nhưng phải cân nhắc rất nhiều để có mức giá phù hợp.
“Cá nhân tôi rất mong muốn có được giá bồi thường sát với giá trị trường, tức là phải hợp lý. Chúng tôi cũng đặt mình vào vị trí của người bị thu hồi đất, cũng rất mong muốn giá thỏa đáng để làm sao người dân, doanh nghiệp giảm đi thiệt hại và bất tiện khi phải di dời nhà cửa, tái ổn định cuộc sống,” ông Hoàng Tùng chia sẻ.
Ngày 5/10 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất trân đất nông nghiệp tại dự án thành phần 2 thuộc dự án Vành đai 3 trên địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh và Củ Chi.
Tại thành phố Thủ Đức, Quyết định trên được áp dụng đối với các trường hợp đến thời hạn thu hồi đất ở chưa đồng thuận nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bổ sung một số vị trí đất ở có hình dánh đặc thù và các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp bổ sung, đất nông nghiệp trong cùng thửa, khuôn viên với đất ở. Quyết định này cũng nêu rõ phương án một số khu vực cụ thể trên địa bàn.
Dự án Vành đai 3 có tổng chiều dài 76,3km đi qua Thành phố Hồ Chí Minh (47,35km), Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km).
Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 75.378 tỷ đồng; dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Tại cuộc họp tình hình thực hiện dự án Vành đai 3 gần đây, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm đánh giá, đến nay, phần lớn các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh triển khai cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.
Dự án đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật-dự toán được 17 gói thầu/26 gói thầu, 9 gói thầu còn lại đang khẩn trương thực hiện.
Cùng với xây dựng Vành đai 3, hiện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận dọc đường Vành đai 3 để phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất, mang lại nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo tổng hợp về kế hoạch, lộ trình, thứ tự ưu tiên, để tổ chức thu hồi đất, thực hiện dự án theo quy hoạch; đề xuất lựa chọn ít nhất một dự án có thể triển khai ngay, trình Hội đồng Nhân dân Thành phố vào cuối năm 2023.
Theo TTXVN