Trận mưa lớn sáng ngày 21/7, Hà Nội lộ những điểm đen ngập lụt, trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực Đại lộ Thăng Long hướng từ Sơn Tây về Hà Nội đoạn ngã ba Thiên đường Bảo Sơn. Tình trạng này đã khiến hàng nghìn cư dân sống tại khu đô thị Nam An khánh di chuyển khó khăn, nhiều người dân không thể vào trung tâm Hà Nội.
Điểm đen ngập lụt tại khu vực Nam An Khánh. (Ảnh Google).
Theo phản ánh của người dân sống tại các khu chung cư Thăng Long Victory, Gemek và An Khánh Golden và khu biệt thự Geleximco hầu như năm nào mùa mưa người dân cũng chịu cảnh ngập lụt liên miên. Cách đây 1 năm khu vực này cũng chứng kiến cảnh tượng ngập lụt nghiêm trọng hơn.
Ngập nặng tại khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn ngày 21/7/2018.
Đặc biệt hơn nữa, theo một người dân sống tại khu vực này, Đại Lộ Thăng Long chạy thẳng tắp gần 30km, muốn sang đường người dân phải chui qua các hầm dân sinh. Khu vực các đường hầm này còn thường xuyên xảy ra ngập nghiêm trọng hơn.
Điểm ngập sâu nhất gần 1m lại đúng vào giờ cao điểm buổi chiều nên nhiều đoạn đường bị ùn ứ. (Ảnh Dân Trí).
Ngoài khu vực Nam An Khánh, hàng loạt khu đô thị của Hà Nội cũng từng được xem là điểm đen ngập úng như khu đô thị Resco (Cổ Nhuế) - bắc Từ Liêm, đoạn ngã tư chung cư Keangnam, khu đô thị Văn Phú - Hà Đông, đoạn đường Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân.
Biển nước tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông sáng ngày 25/5/2016. (Ảnh Lao Động).
Cụ thể, sau trận mưa lớn vào sáng 25/5/2016 tại khu đô thị Văn Phú bị ngập sâu vài chục cm, có chỗ ngập đến 60cm, khiến hàng loạt xe ô tô chết máy giữa đường. Khu đô thị Resco gần như cũng bị cô lập hoàn toàn, các hộ dân không thể ra ngoài đi làm vì nước quá sâu.
Máy ủi vận chuyển người qua chỗ ngập nước tại Khu đô thị Resco vào sáng 25/5/2016 (Ảnh báo Giao Thông Vận Tải).
Trước đó, hàng nghìn cư dân sống tại tòa nhà HH2 – khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông - Hà Nội) bị cô lập, bao vây hệt như "ốc đảo" suốt 2 ngày. Người dân cũng không thể đi chợ, siêu thị suốt những ngày nước ngập hết các ngả đường ra khỏi khu chung cư.
Ngoài các khu vực trên, các tuyến đường thường xuyên xuất hiện ngập úng có thể kể đến như ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê, Phạm Ngọc Thạch. Đường Nguyễn Xiển, đoạn gần ngã tư Nguyễn Trãi có đoạn ngập sâu.
Giới chuyên gia cho rằng, để xảy ra tình trạng ngập nặng còn do các chủ đầu tư khi phát triển các dự án bất động sản chỉ chăm chăm bán nhà mà bỏ quên, hoặc làm hạ tầng thoát nước qua quýt, đối phó. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, thiếu tổng thể dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu.
Trong khi người dân tại các khu chung cư đang phải sống vật vã trong cảnh hễ mưa là lụt thì tại Hà Nội hàng trăm tòa nhà chung cư liên tục mọc lên. Trước tình trạng này, giới chuyên gia cảnh báo cần phải xem lại trách nhiệm của từng chủ đầu tư. Không thể có chuyện cứ bảo sống tiện nghi, cao cấp để bán nhà ào ào nhưng cứ mưa là ngập, cứ nắng là mất nước, chập điện.