Theo tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên trong những năm qua có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vượt mục tiêu đề ra. Huyện có lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên khoáng sản, du lịch, kinh tế biển, hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện và đng bộ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều công trình, di tích lịch sử, văn hóa như Di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức), bãi cọc Đầm Thượng (xã Lại Xuân), di tích bãi cọc Cao Qùy (xã Liên Khê)...
Một góc huyện Thủy Nguyên
Huyện Thủy Nguyên được xác định là 1 trong 3 hướng đột phá về không gian đô thị của TP. Hải Phòng, là trung tâm hành chính, chính trị thành phố, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị.
Theo quy hoạch chung xây dựng TP. Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, đến năm 2025, đô thị thành phố sẽ phát triển về phía Bắc là huyện Thủy Nguyên để hình thành đô thị mới Bắc Sông Cấm, đô thị mới Bến Rừng, hai đô thị vệ tinh là thị trấn Núi Đèo, thị trấn Minh Đức và Lưu Kiếm, Quảng Thanh sẽ là 2 xã được nâng cấp đô thị loại 5...
Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên sẽ giúp phát huy các lợi thế và tiềm năng của huyện. Việc thiết lập đơn vị hành chính đô thị tại đây phù hợp với quy định hiện hành, tương xứng với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, vị thế chính trị và xu thế phát triển của huyện. Bên cạnh đó, việc thành lập cũng góp phần thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên.
Đơn vị hành chính đô thị tại Thủy Nguyên được thành lập với diện tích tự nhiên như hiện trạng là 261,86 km2, dân số 333.900 người và 37 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện.
Diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện của TP. Hải Phòng sau khi lập TP. Thủy Nguyên sẽ không thay đổi. Chỉ riêng số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm. Thành phố thuộc Hải Phòng sẽ có cả xã và phường nhằm tránh việc một số xã không đáp ứng tiêu chuẩn nâng cấp thành phường.