TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, chu kì mới của thị trường không còn chỗ cho doanh nghiệp ôm nhiều dự án.
“Kiểu kinh doanh xưa cũ, cố gắng mở rộng quy mô sản xuất, một doanh nghiệp “ôm” tới mười mấy dự án cùng lúc, dùng vốn vay càng nhiều thì tiềm năng lợi nhuận càng lớn không thể tiếp tục tồn tại. Sắp tới, doanh nghiệp nào cũng phải dựa trên nguồn vốn tự có và chọn phân khúc họ có thực lực và chỉ cần làm 3-4 dự án theo thế mạnh của mình”, ông Hiển khẳng định.
Vị này cũng nhấn mạnh, điểm nghẽn đang tồn tại ở ngành kinh doanh bất động sản là giá nhà cao so với giá trị thực và thu nhập nên người dân không mua được. Đến một lúc nào đó các nhà phát triển, phân phối bất động sản phải đưa giá nhà về mức phù hợp với khách hàng. Môi trường kinh doanh bất động sản từ năm 2023 sẽ khác, ngành này buộc phải tái cấu trúc.
Giai đoạn sắp tới, theo ông Hiển, các doanh nghiệp phải thấy được nhu cầu ở từng phân khúc. Doanh nghiệp lựa chọn phân khúc nào thì phải cố gắng làm tốt phân khúc đó để ngành bất động sản từng bước hòa nhập cùng nền kinh tế đang dần ổn định, lành mạnh hơn.
Trong buổi chia sẻ mới đây, đại diện một chủ đầu tư bất động sản cũng bày tỏ, hiện cuộc chơi không hẳn dành cho doanh nghiệp có nhiều dự án mà là doanh nghiệp có thực lực tài chính. Nhìn bức tranh thị trường vừa qua cho thấy, không ít doanh nghiệp ôm quỹ đất từ hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn không thể triển khai ra thị trường. Dòng tiền bị chôn lại. Lãi suất vẫn phải trả hàng ngày. Điều này là dấu hiệu của sự phát triển không bền vững.
Vị này còn khẳng định, khi thị trường thanh lọc lại là cơ hội cho các doanh nghiệp “mới tinh”. Đây là những doanh nghiệp “chưa có gì để mất”, vào thị trường sau và có sẵn tài chính để săn quỹ đất mới. Hầu hết họ phát triển theo hướng “chậm mà chắc” và nhìn những gì thị trường đã trải qua nên có định hướng rõ ràng phân khúc phát triển rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thực.
Có thể thấy, thời gian qua, khi thị trường lao dốc, nhiều doanh nghiệp buốc phải rời cuộc chơi. Thậm chí các quỹ đất phải bán lại “rẻ” cho doanh nghiệp ngoại. Cuộc thanh lọc đang dần loại bỏ đi những đơn vị thiếu năng lực, kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”; và thay vào đó là những doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính tốt, chiến lược phát triển an toàn, bền vững. Thị trường trước đây đã trải qua một thời kỳ “đồng tiền dễ dãi”, huy động vốn cực kỳ dễ với mặt bằng lãi suất thấp. Hệ luỵ để lại cho thị trường là không nhỏ.
“Các doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, đồng thời tiến hành tái cơ cấu quyết liệt và đúng hướng trong giai đoạn này cũng sở hữu nhiều cơ hội lớn, cùng với đó là sự phát triển của những phân khúc phù hợp với túi tiền và nhu cầu ở thực của người dân. Về lâu dài, điều này sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn”, một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.
Theo Nhịp sống thị trường