Trụ sở Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội có lịch sử lâu đời. Nơi đặt trụ sở của Đại sứ quán Pháp trước đây là trụ sở của Công ty Rượu Đông Dương, do A. Fontaine thành lập năm 1901. Hoạt động từ năm 1903 đến năm 1933, công ty này nắm độc quyền sản xuất rượu và là một trong những công ty giàu mạnh nhất Đông Dương. Khuôn viên gm có khu văn phòng, biệt thự của giám đốc và bể bơi với "pool house", và 3 biệt thự nhỏ hơn được xây dựng vào năm 1912.
Tháng 12-1950, đây trở thành nơi ở và làm việc của Tướng Lattre de Tassigny, cao ủy và tư lệnh cao cấp của quân đội Pháp ở Đông Dương. Trong thời gian này đã xây dựng một bức tường cao ngăn cách với khu nhà ở của nhân viên địa phương, và một biệt thự theo phong cách điển hình của những năm 50, hiện nay là tòa đại sứ.
Sau hiệp định Genève, đây trở thành trụ sở của phái đoàn của chính phủ nước cộng hòa Pháp tại Hà Nội. Khi Mỹ ném bom tấn công miền Bắc, tòa nhà chính đã bị phá hủy vào ngày 11-10-1972. Trận ném bom đó đã làm ông Pierre Susini, đại diện toàn quyền Đông Dương, bị thương nặng và tử vong trên đường về Paris và 5 người khác, trong đó có 4 nhân viên Việt Nam, bị chết.
Người kế nhiệm ông Pierre Susini, ông Claude Chayet, đến ở villa 1950 vào cuối năm 1972.
Ngày 6-6-1973, sau hiệp định Paris, phái đoàn của Pháp tại Việt Nam được xếp lên hàng đại sứ quán. Từ đó đến nay, sau nhiều đợt sửa chữa, nới rộng, đại sứ quán đã được xây thêm một số văn phòng bổ sung và cải tạo các văn phòng cũ. Từ năm 1993 đến năm 1995, đại sứ quán có thêm một tòa nhà mới được xây dựng trên mảnh đất của tòa đại sứ bị phá hủy năm 1972.
Từ năm 1995 đến năm 1997, tòa đại sứ được sửa chữa lại và một trong số những vila xây từ năm 1912 đã được cải tạo lại thành nơi ở dành cho khách. Trong thời gian này, tòa khánh tiết có cấu trúc độc đáo bằng kim loại-vải bạt đã được dựng lên trên nền của sân tennis cũ, và "pool house" bên cạnh được cải tạo lại thành bếp.
Hằng năm, những ngày di sản châu Âu mang tới cho công chúng cơ hội đặc biệt được tham quan các công trình vẫn đóng cửa với công chúng vào thời gian còn lại trong năm. Đối với những ngày di sản châu Âu lần thứ 35 này, 17.000 địa điểm sẽ được mở cửa khắp nơi tại châu Âu. Tại Pháp, hàng chục ngàn công trình của nhà nước và tư nhân mở cửa đón khách trong dịp này. Bên cạnh những công trình kiến trúc, lịch sử nổi tiếng, như cung điện Versailles, Nhà thờ Đức Bà Paris, Bảo tàng Louvre, du khách còn được thăm quan trụ sở của chính quyền, các cơ quan hành chính, bộ, ngành, chẳng hạn như phủ tổng thống, dinh thủ tướng, trụ sở Thượng viện, Hạ viện, trụ sở Bộ Văn hóa, trụ sở của ngành cảnh sát điều tra, Ngân hàng quốc gia Pháp, Tòa thị chính Paris...
Hoạt động những ngày di sản châu Âu là một dự án chung của Hội đng châu Âu và Liên minh châu Âu, được phát động vào năm 1985 theo mô hình những ngày mở cửa của Bộ Văn hóa Pháp. Ngày nay có tới 50 quốc gia châu Âu tham dự sự kiện này hằng năm.
Một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận:
Các villa nhỏ trong khuôn viên đại sứ quán
Khách tham quan nghe về lịch sử di sản châu Âu
Trong khách tham quan có nhiều học sinh
Bia khắc tên những nạn nhân trong vụ đánh bom ngày 11-10-1972
Khuôn viên đại sứ quán thoáng mát, nhiều cây xanh, những con đường được rải sỏi
Khách tham quan trước tòa nhà Đại sứ quán Pháp
Tòa khánh tiết có cấu trúc độc đáo bằng kim loại-vải bạt được dựng lên trên nền của sân tennis cũ vào những năm 90 của thế kỷ trước - Ảnh: Dương Ngọc
Khách vào tham quan ngôi nhà cổ
Không gian bên trong ngôi nhà
Đại sứ quán Pháp nhận được giải nhất về cuộc thi Đại sứ quán Xanh 2018