Để tìm cách khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản , ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với các tổ chức tín dụng cùng 20 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trên thị trường.
2,58 triệu tỷ đồng là tổng dư nợ tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản trong năm 2022, mức cao nhất trong 5 năm qua. Mức tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực này trong năm ngoái là hơn 24%, cao hơn mức trung bình toàn ngành tới trên 10%.
Dù Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định đến nay chưa có văn bản nào, phát ngôn nào nói rằng Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng với lĩnh vực bất động sản, nhưng tại sao doanh nghiệp bất động sản lại khó trong việc tiếp cận vốn tín dụng?
Từng bộ, ngành đang chung tay để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng tinh thần Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Theo tập đoàn tư vấn bất động sản Savills, ngày càng nhiều trường hợp người mua xin thanh lý hợp đồng, trả lại hàng vì chưa thu xếp được vốn vay ngân hàng theo tiến độ. Với những dự án tầm trung, hơn một nửa số khách hàng mua nhà sẽ vay ngân hàng từ 50 - 80% tổng giá trị căn hộ. Vì vậy nếu siết chặt tín dụng, người dân không vay đủ nhu cầu, hoặc trường hợp lãi suất vay tăng thêm 3 - 4% lên 15 - 16%/năm như hiện nay đều khiến người mua chùn chân.
"Căn nhà mua ở thực bây giờ không phải 20 - 30 triệu nữa, thậm chí lên 40 - 50 triệu, tuy nhiên đó là nhu cầu ở thực, do đó room tín dụng nên được nới ra", ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Xanh Miền Bắc, cho biết.
Những dự án chung cư cao cấp ở những mặt phố lớn đang tới thời điểm bàn giao nhà với mức giá từ 75 triệu đồng/m2 đến trên 95 triệu đồng/m2, nhưng hầu như không có giao dịch. Còn phân khúc nhà liền kề, biệt thự, bất động sản nghỉ dưỡng gần như không có người hỏi đến. Đại diện các sàn giao dịch bất động sản cho biết, hiện người mua nhà chỉ quan tâm phân khúc nhà giá rẻ từ 3 - 5 tỷ đồng.
"Bình ổn nhất vẫn là thị trường nhà ở và nhà phố, vì đây là nhu cầu của người sử dụng ở trực tiếp, tức là người tiêu dùng bất động sản cuối cùng, cái nhu cầu này nó rất lớn. Sẽ còn trầm lắng khá lâu là thị trường phân lô bán nền tự do và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch tự phát", ông Nguyễn Tiến Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sàn giao dịch Bất động sản Nhà phố, cho biết.
Trong cuộc họp sáng 8/2, 70% khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản lại rơi vào vấn đề thủ tục pháp lý, thủ tục đầu tư. Điều này không chỉ làm chậm quá trình triển khai dự án, mà còn thiếu điều kiện để vay được nguồn vốn mới.
"Chúng tôi có những dự án mà các mốc thời gian bị trì hoãn, có dư án các thủ tục kéo dài đến 2,5 năm. Chúng tôi mong rằng các hướng dẫn từ cơ quan quản lý nên thật sự rõ ràng và thống nhất giữa các cơ quan, bộ, ngành, có như vậy, mọi quyết định của chúng tôi sẽ được chính xác hơn", ông We Hsiao Chung Paul, Giám đốc Tài chính Công ty CP Phát triển công nghiệp BW, cho hay.
Rõ ràng, để khơi thông thị trường bất động sản, không chỉ có dòng vốn của hệ thống ngân hàng, bởi không thể lấy vốn ngắn hạn dưới 12 tháng để cho vay các dự án dài hạn 5 - 7 năm. Kênh huy động vốn dài hạn quan trọng là trái phiếu doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đã được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ với nhiều tháo gỡ tích cực, nhờ đó giúp doanh nghiệp có thể chủ động bằng năng lực tài chính của mình để huy động vốn từ các nhà đầu tư.
Trong cuộc họp sáng 8/2 tại Ngân hàng Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyên Văn Sinh cũng cho biết sẽ có hội nghị phát triển thị trường bất động sản ngay trong tháng 2 này. Tất cả, từng bộ, ngành đang chung tay để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng tinh thần Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban thời sự
VTV