Dù những ngày Hà Nội mưa kéo dài, con ngõ nhỏ trước cửa nhà ngập nước vài tiếng đồng hồ, kéo theo mùi rác phảng phất vào nhà, vợ chồng anh Trình vẫn động viên nhau: “Cố gắng ở thêm 2 năm nữa, gia đình sẽ chuyển tới một nơi tốt hơn”.
Căn nhà này được anh Trình mới mua cách đây 4 tháng với giá 2,4 tỷ đồng, diện tích 40m2, 3 tầng, tại Hà Đông (Hà Nội). Trước khi chuyển về căn nhà này, vợ chồng anh Trình phải bỏ ra 100 triệu đồng để tu sửa như sơn ve toàn bộ nhà, đóng lại tủ bếp và lát sàn cũng như lắp thêm thiết bị cơ bản.
Ở thời điểm mua nhà, gia đình hai bên và bạn bè, người thân cũng khuyên: Gia đình trẻ nên mua chung cư ở sẽ thuận tiện hơn cho sinh hoạt cũng như di chuyển. Cuộc sống tại nhà trong ngõ sẽ có nhiều bất cập như vấn đề ngập nước mùa mưa, hay nồm ẩm trong chính căn nhà vào thời điểm giao mùa.
Song, vợ chồng anh Trình vẫn quyết định đưa ra phương án: Mua nhà trong ngõ. Đây là căn nhà đầu tiên mà hai vợ chồng có được. Số tiền vay ngân hàng lên tới 800 triệu đồng.
Anh Trình xác định: “Chúng tôi chỉ dự tính ở 2 năm và dài nhất có thể 5 năm. Hi vọng, chúng tôi sẽ kịp chuyển nhà trước khi đứa con gái đầu bước vào cấp 2”.
Lý giải về sự lựa chọn, anh Trình cho biết: “Chúng tôi đã thuê chung cư và thực sự thấy, ở chung cư rất tiện. Nhưng từ năm 2022 đến nay, giá chung cư đã tăng rất mạnh. Cầm 2 tỷ, vợ chồng tôi chỉ mua được căn chung cư 2 phòng ngủ, cách khu vực Mỹ Đình tới 8-10km. Hoặc có thể mua được căn chung cư 55m2 ở Vinhomes Smart City với căn thấp tầng hoặc áp mái. Nếu để 5 năm sau, chưa chắc, chúng tôi đã có thể bán đi được 2,5 tỷ đồng do chung cư xuống cấp.
Trong khi đó, thời điểm này, giá nhà đất trong ngõ lại hạ nhiệt. Nhiều chủ nhà bán giảm tới 500 triệu. Đơn cử căn nhà tôi mua, giá rẻ tới 600 triệu đồng so với mức giá rao bán đầu năm 2022. Ngõ tuy ngập nhưng dự kiến sẽ được nâng nền và làm lại đường ống. Như vậy, tình trạng ngập úng không còn.
Chấp nhận sống khổ vài năm, tôi nghĩ, chỉ khỏang 2-3 năm, nếu bán bằng đúng giá thời điểm đầu năm 2022, chúng tôi lãi tới 500 triệu đồng. Nếu con đường cách nhà tôi 200m mở rộng, căn nhà tôi sẽ có giá hơn”.
Đưa ra lựa chọn như vợ chồng anh Trình, chị Phạm Tâm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng sống trong căn chung cư mini, không sổ đỏ, cũng quyết định mua căn nhà đất trong ngõ. Năm 2017, chị Tâm mua chung cư mini trị giá 400 triệu đồng ở Hoài Đức. Đến năm 2019, chị Tâm bán căn chung cư mini với giá 410 triệu đồng, do nhà không có giấy tờ, việc giao dịch khó khăn.
Cùng thời điểm, chị mua căn nhà đất ở La Phù, Hoài Đức với giá 1,7 tỷ đồng. Sống nhà đất, chị Tâm thừa nhận có rất nhiều bất cập. Song đến năm 2023, chị vẫn lựa chọn bán căn nhà đất ở La Phù với giá 2,2 tỷ đồng và mua căn nhà đất trong ngõ tại Nam Từ Liêm với tâm lý: “Chấp nhận khổ rồi bán lấy tiền mua chung cư”.
Căn nhà đất mới mua nằm trong ngõ, ô tô có thể di chuyển vào. Chị Tâm mua cắt lỗ với giá chỉ còn 3,3 tỷ đồng. Năm 2022, với tài chính hơn 3 tỷ đồng, chị Tâm thừa nhận rất khó sở hữu một căn nhà đất ở Nam Từ Liêm.
“Tôi từng sống ở chung cư mini và từng đến nhà bạn ở một số toà chung cư. Tôi thích cuộc sống ở chung cư. Nhưng với công việc làm cơ quan Nhà nước, hai vợ chồng mỗi người sở hữu mức lương 8 triệu đồng. Nếu không mua nhà đất và chấp nhận chịu khổ vài năm, tôi nghĩ cả đời chỉ có thể mua được căn chung cư mà không có tích luỹ dự phòng. Dự tính 5 năm nữa, giá nhà tăng, tôi sẽ bán được căn nhà đất. Tôi sẽ mua căn chung cư nhỏ để ở và một căn nhà đất hoặc lô đất vùng ven. Như vậy, tôi vừa có nhà để ở, vừa có tích luỹ. Nếu không chấp nhận khổ ban đầu, tôi nghĩ khó có tương lai sở hữu 2 bất động sản sau này”.
Theo anh Trần Minh, CEO công ty bất động sản tại Hà Nội, chấp nhận mua nhà đất trong thời gian mới lập nghiệp là lựa chọn của nhiều vợ chồng trẻ. Dù giá nhà đất không biến động mạnh nhưng khả năng tăng 200-600 triệu là điều có thể xảy ra trong 2-3 năm. Mức tăng này bằng 10 năm tiết kiệm của những vợ chồng trẻ, phụ thuộc vào đồng lương văn phòng. Đó cũng là cách đầu tư. Tất nhiên, họ cũng phải có lựa chọn tốt về căn nhà đất như vị trí, pháp lý,…
Theo Nhịp sống thị trường