Thông tin với báo chí chiều ngày 21/9, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu giải pháp nâng cao khả năng thoát nạn cho các công trình.
Đối với các công trình đã hiện hữu, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành tài liệu kỹ thuật để nâng cao khả năng phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nội dung này cũng sẽ được xây dựng vào thời gian tới.
Theo ông Ngọc Anh, thông thường, các sai phạm đã xảy ra tại công trình xây dựng thường được xử lý theo hình thức phạt hành chính và khắc phục sai phạm. Sau vụ cháy vừa qua cho thấy các sai phạm tương tự rất nhiều. Trước mắt vẫn cần có giải pháp khắc phục tạm thời bởi hiện nay loại hình nhà ở này (chung cư mini) trong cả nước lên tới con số hàng nghìn.
Bản chất kỹ thuật của loại nhà này là chung cư, nhưng giấy phép xây dựng lại núp dưới danh nghĩa là nhà ở riêng lẻ. Quy định cần phải rõ, cứ xây cao tầng, chia thành nhiều căn hộ với mục đích kinh doanh là phải xếp sang nhóm chung cư. Bởi đã kinh doanh là mật độ người sử dụng đông chứ không như chỉ dành cho 1 hộ gia đình sử dụng và lại càng phải đảm bảo các yếu tố an toàn – ông Ngọc Anh chỉ rõ.
Trong khi đó, các công trình này, ngay từ khi thiết kế đã không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn PCCC. Do đó, hiện nay cần bổ sung các giải pháp thoát nạn và đây cũng là việc cấp bách để phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả khi xảy ra sự cố hỏa hoạn.
Trực tiếp khảo sát tại hiện trường vụ cháy vừa qua, ông Ngọc Anh nhận xét, nhiều người sinh sống tại chung cư này đã tìm cách thoát hiểm bằng phương án nhảy sang các nhà lân cận bởi tòa nhà không có thang thoát nạn.
Hiện nay, một số chung cư mini ở Hà Nội bắt đầu hàn thêm thang vịn bằng tay dọc theo tòa nhà. Việc chủ động áp dụng ngay giải pháp này tức là đã có ý thức “sửa” và dự phòng, tuy nhiên cũng cần nghiên cứu thêm.
Bởi trên thực tế, ở nước ngoài họ cũng đã có trang bị loại thang này cho một số tòa nhà nhưng dưới dạng thang lồng nên an toàn hơn. Còn với độ cao lớn thì thang tay vịn không có lồng như một số nơi đang hàn thêm hiện nay cũng chưa thực sự là giải pháp an toàn cao.
Do khi ở trong tình huống nguy cấp, không phải ai cũng đủ thể lực và tâm lý bình tĩnh để leo xuống theo đường thang này, nhất là với người già, trẻ nhỏ, người sinh sống ở các căn hộ tầng cao.
Theo ông Ngọc Anh, ngay cả việc bổ sung thang thoát nạn bên ngoài tòa nhà như một số nơi đang làm cũng cần qua các công ty tư vấn có chuyên môn thiết kế để gia tăng tính an toàn.
Hiện nay có hàng nghìn công trình được gọi là chung cư mini kiểu này đang vận hành. Vấn đề đặt ra là xử lý như thế nào, có cho tiếp tục tồn tại hay không. Nhưng trước mắt vẫn cần tăng cường biện pháp thoát nạn, công cụ phòng chống như mặt nạ, thang dây, thang sắt gắn ngoài nhà.
Tuy nhiên, với loại thang gắn cố định bên ngoài cũng cần tính toán bởi nếu phần nhô ra thuộc không gian công cộng thì cũng phải được cấp phép hoặc chấp thuận của chính quyền địa phương…
Còn về lâu dài, ông Ngọc Anh khẳng định, cần siết chặt quy định từ cấp phép cho đến kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương. Để đủ điều kiện xây dựng chung cư phải căn cứ vào các quy định liên quan, quy hoạch xây dựng…, nếu khu vực đó đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Đặc biệt là hạ tầng PCCC rất quan trọng như đường cấp nước, đường cho xe chữa cháy vào nhà. Có làm chặt chẽ như vậy thì mới không xuất hiện thêm các loại nhà biến tướng kiểu này.
Ông Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, đã là nhà chung cư thì phải thực hiện quy định về PCCC rất ngặt nghèo từ khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt… Nếu đủ các bước thì mới đảm bảo an toàn.
Cho dù là thiết kế nhà ở riêng lẻ hay chung cư thì vấn đề đầu tiên vẫn là an toàn chịu lực và an toàn PCCC. Trên thực tế, rất ít công trình sập đổ vì không đáp ứng an toàn chịu lực. Nhưng an toàn PCCC lại chấp hành chưa tốt. Trong khi đó, đây chính những yếu tố đặc biệt quan trọng đối với công trình xây dựng để đảm bảo an toàn cho con người sinh sống.
“Bởi vậy, phải sát sao ngay từ khâu quy hoạch, cấp phép. Nếu đã cấm là phải cấm từ đầu. An toàn chịu lực và PCCC phải tuân thủ ngay từ đầu. Chứ vận hành rồi mà bây giờ mới bổ sung, bắt khắc phục thì rất khó nên nhiều người kêu ca, thậm chí họ phản đối vì cho rằng thế là “đánh đố” người dân”– ông Ngọc Anh chia sẻ.
Quan điểm của chuyên gia này rất rõ ràng, đã là an toàn PCCC thì là phải tuân thủ ngay từ ban đầu. Bởi có những ngõ hiện nay rất nhỏ, xe chữa cháy không vào được mà vẫn xây chung cư mini.
Lăng vòi cứu hỏa chỉ vào tới khoảng 300-400 m nhưng lại có những ngõ ngoằn nghèo đến cả km nên phải tăng cường PCCC bằng họng cứu hỏa khô chờ sẵn. Để nếu lăng vòi không kéo tới thì vẫn chuyền được nước nhưng cũng còn phụ thuộc điều kiện áp lực nước cả xe phải đủ lớn. Tuy nhiên, nếu vị trí họng khô dài quá thì áp lực nước vẫn kém, cũng không xử lý phun mạnh và với tầm cao được.
Từ thực tế sau vụ cháy vừa qua, ông Ngọc Anh nhận xét, muốn thoát nạn trước tiên phải biết cháy, biết khói lúc nào để đủ thời gian thoát nạn. Ý thức người tiêu dùng đặc biệt quan trọng trong việc mua bán nhà.
Người sử dụng cần tìm hiểu khi về hệ thống báo cháy, lối thoát nạn khi đến sinh sống tại các tòa nhà cao tầng và đặc biệt chú ý nghiên cứu hướng dẫn kỹ thuật. Cho dù chủ đầu tư tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng vẫn cần góp sức từ ý thức của con người.
Bởi ngay như có lối thoát nạn an toàn nhưng nếu người sinh sống tại đó không tìm hiểu trước thì khi xảy ra sự cố cũng không biết lối thoát thân, nhất là trong bối cảnh tâm lý hoảng loạn. Hay như trang thiết bị chữa cháy có đủ nhưng không diễn tập thì cũng khó mà thực hiện được do thiếu kỹ năng – ông Ngọc Anh khuyến cáo.
Theo TTXVN