Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” sáng 17/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin, 4 ngân hàng quốc doanh đã thống nhất sẵn sàng vào cuộc với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đã đề xuất dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, với mức lãi suất cho vay chỉ từ 5 - 6%/năm.
Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, đây là hai gói tín dụng hoàn toàn độc lập. Nếu thuận lợi, dự báo thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc phân khúc này vì có cơ hội đón một dòng vốn lớn.
Hai gói tín dụng vừa công bố sẽ dành cho phân khúc nhà ở xã hội, đối tượng là người có thu nhập thấp (ảnh minh họa).
Người dân, chủ đầu tư có nhu cầu thực: Khấp khởi mừng
Chị Bích Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị thuê nhà nhiều năm nay chưa có cơ hội mua nhà vì 2 năm nay, giá nhà Hà Nội tăng chóng mặt, nhất là chung cư. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng cao khiến giấc mơ mua nhà của chị Thu ngày một xa vời.
"Tôi đọc thông tin và biết sắp tới có 2 gói tín dụng 110.00 tỷ đồng của Bộ Xây dựng đề xuất và 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước sắp triển khai cho nhà ở xã hội. Tôi mong 2 gói này triển khai sớm để những người như tôi có cơ hội mua được nhà", chị Thu nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty NHS, Hà Nội - cho biết ông rất vui vì sắp tới có 2 gói tín dụng lớn cho nhà ở xã hội. Theo ông Nam, bản thân doanh nghiệp ông làm nhiều nhà ở xã hội nhưng chưa dự án nào chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi.
Ông Nam cho biết thêm, gói vay ưu đãi có lợi nhất với người mua nhà bởi hiện nay lãi suất cho vay tăng cao gây khó cho người mua. “Khi người mua được vay vốn ưu đãi, chủ đầu tư sẽ bán được nhanh hàng và thu hồi tiền. Vì vậy, tôi mong với 2 gói tín dụng mới triển khai sớm với thủ tục dễ dàng cho cả chủ đầu tư và người dân”, ông Nam cho hay.
Còn theo lãnh đạo Công ty Handico 5, vốn tín dụng quan trọng nhất cho người mua nhà bởi đây là đối tượng cần được ưu tiên hơn chủ đầu tư. Tuy nhiên, thủ tục vay vốn nên đơn giản để tạo điều kiện tối đa cho người mua nhà.
Nhà ở xã hội - nhiều việc vướng cần xử lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Trần Xuân Lượng - chuyên ngành bất động sản, Trường Đại học Kinh tế quốc dân - phân tích, 2 gói tín dụng mới cho nhà ở xã hội là tín hiệu mừng cho thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Lượng cho rằng, với gói tín dụng 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất giống gói 30.000 tỷ đồng cách đây 10 năm. Tuy nhiên, cách đây 10 năm khác bây giờ, bởi trước nhiều quỹ đất trong nội đô để phát triển nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm hiện tại những quỹ đất trong nội đô làm nhà ở xã hội ít.
Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội đều đang vướng thủ tục pháp lý. Ngoài ra, việc phát triển nhà ở xã hội ở đâu là những vấn đề được đặt ra. “Chúng ta không thể xây nhà ở xã hội tại Ba Vì, Sơn Tây trong khi người dân vẫn phải đi làm trong nội thành Hà Nội. Xây nhà xã hội phải kèm theo hạ tầng kỹ thuật nếu không sẽ tạo ra những khu đô thị ma”, ông Lượng nói.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng, cùng với gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng còn đặt mục tiêu một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030.
“Để thực hiện được, cần có một quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội. Phải có quỹ đất, lựa chọn các khu nhà ở xã hội tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý. Ngoài ra, các thể chế quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập nhật lại và đơn giản hoá theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công nhà ở xã hội)”, ông Hiệp nói.
Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng khoảng 571.000 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Trong giai đoạn từ 2025 - 2030 sẽ tiếp tục xây dựng thêm khoảng 845.000 căn nhà ở xã hội.
Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện đang triển khai 401 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 434.000 căn hộ, nên từ nay đến năm 2025 chỉ cần xây dựng thêm khoảng 200.000 căn là đạt mục tiêu đề án đưa ra.
Theo Ngọc Mai
Tiền phong