Báo cáo của JLL mới đây chỉ ra, trong nửa đầu năm 2022, đầu tư vào thị trường bất động sản thương mại khu vực Châu Á Thái Bình Dương giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái do điều chỉnh hoạt động giao dịch ở một số nền kinh tế lớn trong khu vực. Tổng mức đầu tư trực tiếp vào bất động sản tại thị trường Châu Á Thái Bình Dương đạt 70,9 tỷ USD trong nửa đầu năm do chu kỳ lãi suất thắt chặt và lo ngại lạm phát bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch trong những tháng cuối năm.
Stuart Crow, Tổng Giám đốc, Thị trường vốn, Châu Á Thái Bình Dương, JLL cho biết, khối lượng đầu tư trong nửa đầu năm sụt giảm ở mức trung bình so với mức sàn cao đã đặt ra vào năm 2021 do phát sinh các yếu tố bên ngoài, khiến các nhà đầu tư phải điều chỉnh chiến lược triển khai vốn sao cho phù hợp với chu kỳ lãi suất ngày càng siết chặt hơn.
Điều đáng mừng là mức tài sản lưu động vẫn cao và vẫn nhận thấy nhu cầu lớn về tài sản thực. Theo đại diện JLL, Hiện có nhiều cơ hội rõ ràng và khách hàng nên dự kiến rằng giai đoạn hình thành giá mới sẽ vẫn là chủ đề chính trong giai đoạn cuối năm 2022 khi những khó khăn về kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát đang xảy ra ảnh hưởng đến các quyết định.
Cũng theo đơn vị này, thị phần văn phòng khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn là loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất khu vực, thu hút 30,6 tỷ USD đầu tư trong nửa đầu năm, chỉ giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái tính từ mức cơ sở cao của năm ngoái. Mức đầu tư vào ngành công nghiệp và giao vận (trị giá 14,6 tỷ USD) giảm 37% so với khối lượng kỷ lục vào năm 2021, trong khi đó các dự án triển khai trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ (trị giá 14,0 tỷ USD) giảm 31% so với cùng kì năm ngoái. Mức đầu tư vào bất động sản thay thế (trị giá 1,4 tỷ USD) như trung tâm dữ liệu và nhà ở giảm nhẹ (giảm 12% so với cùng kỳ năm trước).
JLL dự đoán các nhà đầu tư sẽ đầu tư phân bổ nhiều vốn hơn vào các chiến lược giá trị gia tăng bằng cách tân trang văn phòng cũ thành tòa nhà xanh thân thiện với môi trường, bởi càng ngày người sử dụng càng muốn lựa chọn không gian chất lượng cao hơn sau đại dịch.
"Thị trường điều chỉnh bước sang trang mới trong nửa đầu năm, là tấm gương phản chiếu hoạt động đầu tư âm thầm hơn. Trong khi các nhà đầu tư tiếp tục cuộc chơi dài hơi và thị trường tài chính tiếp tục thắt chặt trong tương lai gần, dòng vốn sẽ tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản Châu Á Thái Bình Dương, nhưng các dự án triển khai sẽ mang tính chắt lọc hơn", Pamela Ambler, Giám đốc bộ phận Chiến lược và Trí tuệ Nhà đầu tư Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của JLL nhấn mạnh.