Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh. (Ảnh chụp màn hình)
Tại hội thảo "Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng ngày 27/4, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho rằng ngành bất động sản (BĐS) đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn cần có những giải pháp hỗ trợ chứ không phải giải cứu để doanh nghiệp có thể sống.
Trước hết là giải quyết câu chuyện khủng hoảng niềm tin, xuất phát từ một số sai phạm của các tổ chức kinh doanh trong năm 2022, dẫn đến các vụ bắt bớ, cần phải xử lý như thời gian qua.
"Để giải quyết tình hình này, Chính phủ đã ban hành các chính sách như Nghị định 65 để điều chỉnh các hành vi sai phạm nhưng chưa có thời gian thẩm thấu, Các chính sách được ban hành xoay chuyển trạng thái rất đột ngột, dẫn đến thị trường càng khó khăn hơn, dẫn đến mất niềm tin của nhà đầu tư, của khách hàng và dẫn đến cuộc tháo chạy khỏi bất động sản, thậm chí tháo chạy khỏi các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, việc siết chặt tín dụng và tăng lãi suất từ năm 2022 cũng làm mất niềm tin của các nhà đầu tư đang quan tâm đến bất động sản. Việc khủng hoảng niềm tin như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nói chung, trong đó co bất động sản", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh nói.
Cũng theo chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Trần Quốc Dũng, không biết vì lý do tế nhị thế nào mà mọi người không thừa nhận, thậm chí có cái nhìn mất thiện cảm đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS.
"Luôn luôn nói đến BĐS là chúng ta nghĩ ngay rằng đến siêu lợi nhuận, mua rẻ bán đắt. Trong khi đó, việc hạch toán trong kinh doanh BĐS rất minh bạch theo luật, giá trị đầu vào cấu thành giá bán và chúng tôi đưa ra mức lợi nhuận kỳ vọng.
Quản lý và kiểm soát giỏi trong vấn đề đầu tư, xây dựng, lúc đó chúng tôi mới đảm bảo được lợi nhuận 5-7% sau khi quyết toán một dự án.
Với các chi phí bất hợp lý trong báo cáo tài chính là thuế bóc ra ngay lập tức, cho nên không có gì là không minh bạch cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS.
Có chăng những khoản chênh lệch lớn nếu có thì nằm ở các thành phần tham gia khác như nhà đầu tư thứ cấp mua sản phẩm từ chủ đầu tư rồi đẩy giá lên. Thực chất đây không phải là lợi nhuận của chủ đầu tư. Có trường hợp gom đất nông nghiệp rồi chờ thời cơ để sang tay", ông Dũng cho hay.
Đại diện Hưng Thịnh cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp để kiểm soát các thành phần tham gia vào thị trường nói trên, kiểm soát các kênh thứ cấp, bao gồm kiểm soát cả việc tư nhân mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp để giá bất động sản phù hợp với khả năng của người dân.
Để vực dậy ngành BĐS, để lấy lại niềm tin từ khách hàng, theo đại diện Hưng Thịnh trước hết phải nói đến nội tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc hoạt động trong thời điểm khó khăn. Bản thân Tập đoàn Hưng Thịnh đã và đang làm điều đó: Giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, để giá bất động sản tiệm cận với mong muốn của khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh thông tin: "Hiện nay, chúng tôi sẵn sàng bán mà không có lợi nhuận, chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn lớn nhất là có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng, để khách hàng xem xét, đồng ý xuống tiền, qua đó doanh nghiệp có dòng tiền về để tạo thanh khoản, duy trì hoạt động của doanh nghiệp lúc này".
Bên cạnh đó, Hưng Thịnh đã đối thoại trực tiếp và nhận được phản hồi thông cảm, an tâm và tiếp tục đồng hành của các trái chủ.
"Khi Nghị định 08 ra đời, chúng tôi có cơ hội ngồi lại với trái chủ để trình bày kế hoạch kinh doanh, phương án để chúng tôi xin gia hạn và phương án tất toán đúng hạn. Các trái phiếu của chúng tôi đều có tài sản bảo đảm. Giá trị tài sản bảo đảm được thẩm định trên tổng dư nợ trái phiếu phát hành đều đảm bảo tỷ lệ đúng quy định. Doanh nghiệp buộc phải bán tài sản để trả nợ cho các trái chủ là đều không ai muốn mà chỉ muốn tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp tục sản xuất kinh doanh, có giá trị thặng dư để thực hiện các nghĩa vụ", ông Dũng nói.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho ngành BĐS, trong đó có những chính sách về tín dụng như khoanh nợ, giãn nợ,… Nhiều tổ chức tín dụng đã làm việc các chủ đầu tư khác để thảo luận về hoạt động tái cấp vốn, tái khởi động các dự án xây dựng.
Hưng Thịnh mong muốn những chính sách này nhanh chóng được thực thi, các cơ quan quản lý, ngân hàng vào cuộc ngay để kích thích nhu cầu, gầy dựng lại niềm tin cho các nhà đầu tư,…
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh