Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai.
Văn bản nêu rõ, nhiệm vụ tổng kết đã được Trưởng ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành từ cuối năm 2020. Nhiệm vụ được giao đến từng bộ, cơ quan, địa phương.
Để công tác tổng kết thi hành Luật Đất đai đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai.
Các địa phương gửi báo cáo tổng kết phải gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước 15/5. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành trước 30/6.
Những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật cũng được yêu cầu đánh giá. Chính phủ cũng yêu cầu xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập đó. Bên cạnh đó, đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những nội dung của Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan.Theo kế hoạch, tổng kết thi hành Luật Đất đai tập trung các việc như đánh giá chng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp. Ngoài ra, các đơn vị được giao đánh giá kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá những kết quả đạt được…
Thủ tướng yêu cầu việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng bộ, ngành và các địa phương; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm.
“Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế; dựa trên kết quả đánh giá, tổng kết; đng thời tham khảo ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp”, chỉ đạo nêu.
Trước đó, trong buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế vào ngày 28/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong khóa 15, một trong những nhiệm vụ khó nhất là sửa Luật Đất đai.
Cũng tại buổi làm việc, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm phát luật, tham nhũng, khiếu kiện dai dẳng về đất đai thời gian là do các quy định hiện hành chưa phù hợp của Luật Đất đai.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng nhấn mạnh Luật Đất đai có tác động lớn tới quyền sử dụng tài sản, đất đai của nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn là công tác quản lý nhà nước còn phức tạp với nhiều quy định của luật chưa được rõ ràng. Đại biểu cho biết có tới gần 70% khiếu nại của nhân dân liên quan đến đất đai và tình trạng này xảy ra một phần do pháp luật.