Sở Xây dựng cho biết, hướng dẫn các quận huyện được Sở ban hành từ năm 2017 nhưng trong thời gian qua có sự không thống nhất về cấp phép xây dựng với đất dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp.
Giấy phép xây dựng ở quận này là chính thức, quận khác lại là có thời hạn, có quận huyện lại không cấp phép xây dựng. Theo lãnh đạo một địa phương, việc “mỗi nơi làm một kiểu” như vậy là do các quy định của pháp luật hiện không có tên hai loại đất nói trên.
Trong khi đó, hai loại đất này cũng không có quy định cụ thể sẽ được cấp phép xây dựng ra sao tại tất cả các quyết định, văn bản hướng dẫn về cấp phép xây dựng của UBND TP hiện nay.
Theo ông Huỳnh Trịnh Phong, Phó phòng Pháp chế Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, trước các vướng mắc trên, phòng đã có văn bản gửi UBND TP đề xuất các giải pháp cấp phép xây dựng đối với đất dân cư xây dựng mới và đã được TP thông qua.
Đất dân cư hỗn hợp và đất xây dựng mới tại Tp.HCM đều được
cấp phép xây dựng. Ảnh minh họa
Theo đó, đất sử dụng hỗn hợp sẽ được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm sẽ có hướng cấp phép xây dựng cụ thể:
- Cấp phép xây dựng chính thức với nhóm chiếm trên 50% diện tích đất hỗn hợp với cơ cấu chức năng chính là đất nhà ở chung cư kết hợp với thương mại - dịch vụ - văn phòng (không có công viên cây xanh, công trình công cộng).
- Cấp phép xây dựng có thời hạn với nhóm có diện tích đất hỗn hợp chiếm khoảng 30%, cơ cấu chức năng chính là thương mại - dịch vụ - văn phòng, không có nhà ở, đất ở của người dân...
- Chưa cấp phép xây dựng cho nhóm có diện tích đất hỗn hợp trên khoảng 20%, cơ cấu chức năng chính là nhà ở chung cư kết hợp với thương mại - dịch vụ - văn phòng (một số khu vực bố trí công viên cây xanh, công trình công cộng) hiện trạng có nhiều nhà ở, đất ở của người dân.
- Cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chính thức theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung của TP với đất dân cư xây dựng mới và các loại đất ở khác tương tự (đất ở nhà vườn, đất ở cao tầng, thấp tầng).
Tuy nhiên, Sở cũng nêu rõ, người dân chỉ được phép xây dựng theo tầng cao cơ bản, không được tính các tầng cộng thêm và đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi lẽ, về nguyên tắc thì chỉ được cấp phép xây dựng khi đã có quy hoạch 1/500, quy chế quản lý đô thị... Về dài hạn, TP cần thúc tiến độ rà soát, lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị trong các đ án quy hoạch phân khu 1/500 trên địa bàn, trên cơ sở đó sẽ cấp phép xây dựng cho người dân.
Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Trần Trọng Tuấn cũng cho biết, các địa phương sẽ căn cứ vào kiến nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã được UBND TP phê duyệt để triển khai cấp phép xây dựng cho người dân. Trường hợp vẫn còn vướng mắc hoặc phát sinh khó khăn, TP sẽ tiếp tục tháo gỡ để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân trong quá trình phát triển đô thị.
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng đã chỉ đạo các địa phương phải giải quyết thống nhất việc cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ trên toàn địa bàn. Lãnh đạo thành phố cũng giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cho các địa phương triển khai thực hiện thủ tục tách thửa đất ở cho người dân theo Quyết định 60 của TP.