Vốn đổ vào bất động sản 3 tháng đầu năm 2023 là bao nhiêu?

11/04/2023 ,16:05
Tín dụng bất động sản tăng chậm trong quý đầu năm nay, trong khi đó vốn huy động từ kênh trái phiếu đang có tín hiệu tích cực.

(Ảnh minh họa: H.H).

 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong quý I/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt 24.708 tỷ đồng. Riêng khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% tổng khối lượng.

Trong đó, 98,2% khối lượng phát hành (tương đương hơn 24.000 tỷ đồng) thuộc lĩnh vực bất động sản. Về cơ cấu, 99,99% khách hàng là nhà đầu tư tổ chức, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.

 

(Nguồn: SBV, H.L tổng hợp).

 

Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 2/2023 đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng; tăng 2,19% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng). Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản tăng 6,45% chiếm tỷ trọng 33%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 0,25% chiếm tỷ trọng 67%.

Ước tính vốn tín dụng vào bất động sản đến hết quý I/2023 tăng trưởng khoảng 3% so với cuối năm 2022, tương đương quy mô dư nợ tín dụng bất động sản tăng thêm khoảng hơn 77.000 tỷ đồng.

Như vậy, ước tính 3 tháng đầu năm 2023, dòng vốn chảy từ kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu vào bất động sản khoảng trên 100.000 tỷ đồng.

 

 (Nguồn: Bộ KH&ĐT, H.L tổng hợp).

 

Với dòng vốn ngoại, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) tính đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đăng ký đầu tư, giảm gần 72% so với cùng kỳ năm trước (1,71 tỷ USD). Trong đó, lượng vốn giải ngân đạt 228,5 triệu USD (chiếm 5,3%).

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, trong năm 2021, vốn tín dụng chiếm 46,4%, FDI  chiếm 12,1%, trái phiếu doanh nghiệp 31,1% trong tổng nguồn vốn vào lĩnh vực bất động sản. Sang năm 2022, khoảng 74% vốn cho các chủ đầu tư địa ốc là từ ngân hàng, do đó sức ép của nhà điều hành rất lớn.

Chuyên gia cho biết, giai đoạn 2017 - quý I/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 338.000 tỷ đồng (tính cả phát hành quốc tế). Thống kê riêng trong năm 2022 thì bất động sản chiếm 20% tổng lượng phát hành, ngân hàng đứng đầu chiếm 53,6%. Nhưng sang quý I/2023, bất động sản chiếm hơn 80%.

Nhìn lại năm 2021, doanh nghiệp địa ốc phát hành tăng đột biến đạt khoảng 214.000 tỷ đồng. Do kỳ hạn 3 - 4 năm nên sẽ đáo hạn nhiều trong giai đoạn 2023 - 2024. Tổng lượng đáo hạn năm 2023 khoảng 120.000 tỷ đồng. Lượng trái phiếu quá hạn theo tính toán đến thời điểm hiện tại khoảng 8%.

“So với các nước, vốn tín dụng ngân hàng cho bất động sản của Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp. Nghĩa là vẫn còn dư địa để tiếp tục cho vay bất động sản, tuy nhân phải phân nhóm rủi ro đối với từng phân khúc. Năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 - 15% nhưng tín dụng cho bất động sản có thể tăng cao hơn mức này”, ông Lực nhận định.

 

 

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

 

Tin cùng danh mục

Tin mới nhất