Dữ liệu mới đây từ Bộ phận Nghiên cứu Savills toàn cầu cho thấy, thị trường văn phòng, thị trường nhà ở và lĩnh vực hậu cần tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong năm 2021.
Nhận định này dựa trên một số cơ sở. Cụ thể, theo dữ liệu từ Savills cập nhật đến tháng 11/2020, các chuyên gia đầu tư bất động sản quốc tế chỉ ra rằng mặc dù lượng đầu tư toàn cầu vào thị trường đã giảm 28% so với cùng kỳ nhưng không phải tất cả các lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng bất lợi.
Bất động sản công nghiệp và nhà ở vẫn chiếm thị phần ấn tượng, lần lượt là 21% và 28% trong tổng các ngun đầu tư. Thị trường văn phòng đứng vững với thị phần 33%.
Savills cho rằng, bất chấp yếu tố bất ổn do COVID-19, sức hấp dẫn dài hạn của bất động sản nói chung và số lượng quỹ nhắm vào lĩnh vực này vẫn tiếp tục tăng. Dữ liệu từ Preqin chỉ ra tính đến đầu quý IV/2020, thị trường có hơn 1.000 quỹ, gấp đôi so với tháng 1/2016. Các quỹ hiện đang nhắm mục tiêu đầu tư gần 300 tỷ USD và tiếp tục tăng trong năm 2021.
Cũng theo đơn vị này, văn phòng được dự báo sẽ vẫn là lĩnh vực lớn nhất và là lựa chọn đầu tư cốt lõi. Tâm điểm thị trường sẽ rơi vào các tài sản có rủi ro thấp, đi kèm các tiêu chí cho dòng tiền ổn định và toạ lạc tại các vị trí tốt nhất.
Đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang bán lẻ trực tuyến và mô hình làm việc linh hoạt. Năm 2021, ngành hậu cần được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn, tuy nhiên đây cũng là thách thức đối với các nhà đầu tư tìm kiếm ngun cung.
Ông Rasheed Hassan, Giám đốc Bộ phận Đầu tư xuyên biên giới tại Savills nhận định, bất chấp những tác động bất lợi từ dịch COVID-19 đối với bất động sản, vẫn còn lượng đầu tư lớn đang chờ đợi để nhắm vào các thị trường mục tiêu ngay khi tình hình chung trở nên lạc quan hơn.
Trong đó, lĩnh vực hậu cần, bất động sản công nghiệp tiếp tục là lưạ chọn hàng đầu trong 12 tháng tiếp theo. Lĩnh vực thị trường văn phòng được dự đoán quay lại hoạt động tích cực ngay khi các chương trình liên quan tới vắc xin được triển khai rộng rãi trên thế giới.
Song song với đó là kỳ vọng về tăng trưởng lạc quan hơn cho thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Đa phần, các kỳ vọng xoay quanh việc nới lỏng các biện pháp kiềm toả dịch bệnh, tháo gỡ dần tình trạng đóng cửa biên giới, và sự trở lại của hoạt động đầu tư bất động sản xuyên biên giới.
Savills cho rằng, trong ngắn hạn, lãi suất thấp có khả năng vẫn tiếp tục và sẽ hỗ trợ ngành bất động sản, trong khi các ngun vốn lớn chưa được phân bổ trong khu vực sẽ thúc đẩy các hoạt động giao dịch trở nên cạnh tranh hơn.
Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, Việt Nam thuộc nhóm các thị trường tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng GDP lạc quan trong năm 2020.
Hoạt động kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, cùng ảnh hưởng của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã đem lại nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư ngành sản xuất, hậu cần, công nghiệp tại Việt Nam.