Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng vào nền kinh tế ước tăng 15,3% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,6% so với đầu năm) và so với tháng trước đó đã tăng 2,8%.
Về cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, tỷ trọng tín dụng trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản chiếm khoảng 15,5% (cùng kỳ năm 2016 là 17,1%). Trong đó, cho vay xây dựng chiếm khoảng 9,7% (năm 2016 là 10,1%), cho vay kinh doanh bất động sản khoảng 5,8% (năm 2016 là 7%).
Đặc biệt, tính từ đầu năm đến nay, tín dụng tiêu dùng vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã tăng mạnh. Báo cáo cho thấy, so với thời điểm cuối năm 2016, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 59%. Trong đó, 8,3% là cho vay để mua phương tiện đi lại; 15,3% là cho vay để mua trang thiết bị gia đình; chiếm đến 52,9% là cho vay để mua nhà để ở; sửa chữa, xây dựng nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở (tỷ lệ này là 49,5% ở thời điểm cuối năm 2016)...
Bộ Xây dựng mới đây cũng báo cáo rằng, nhìn chung, giá nhà ở trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 không biến động nhiều. Tại nội đô Hà Nội và Tp.HCM, giá nhà ở tăng nhẹ 3-5% so với năm 2015 (có dự án tăng 10%). Giá nhà tăng chủ yếu tập trung tại dự án căn hộ trung và cao cấp có chủ đầu tư uy tín, vị trí thuận lợi, hạ tầng đng bộ, chính sách bán hàng và khuyến mại hấp dẫn…
Người dân ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận vốn vay mua nhà |
Một số sàn giao dịch bất động sản cũng thông tin, trong 9 tháng đầu năm nay, số giao dịch thành công ở Hà Nội đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2016, đạt khoảng 10.550 giao dịch. Còn tại Tp.HCM, số giao dịch thành công tăng 3,4% so với năm 2016, đạt 11.320 giao dịch.
Dân số của Việt Nam hiện tại là gần 96 triệu người. Trong đó, 70% là dân số nằm trong độ tuổi từ 15-64, thu nhập bình quân là khoảng 2.200 USD/người/năm (kết quả năm 2016). Theo nhận định, những người trong độ tuổi này dù có khả năng tích lũy chưa cao nhưng nhu cầu mua, sửa chữa nhà ở lại ngày càng tăng theo sự phát triển của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các định chế tài chính như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tái thế chấp bất động sản... khá xa lạ tại Việt Nam thì việc dòng vốn tín dụng đổ mạnh vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản là phù hợp.
Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, tín dụng phục vụ người mua nhà lần đầu, sửa chữa, cải tạo nhà ở… không hoàn toàn là đầu tư bất động sản mà nên được xem là sự đóng góp cho an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Vị này nói: "Ở tầm vĩ mô, tín dụng tiêu dùng vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, vừa góp phần giảm nợ xấu thiết thực nhất, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu mà Chính phủ đang rốt ráo chỉ đạo. Ở tầm vi mô, hình thức tín dụng này không chỉ giải quyết nhu cầu nhà ở thực của người dân, mà quan trọng hơn còn là động lực thúc đẩy đầu tư trong nước. Do đó, những khoản vay này cần được khuyến khích".
Đng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, không nên siết tín dụng bất động sản, đặc biệt là việc cho khách hàng cá nhân vay mua nhà bởi đây là nhu cầu tất yếu nhưng vẫn phải kiểm soát rủi ro. Ông nói: "Để kiểm soát rủi ro khi cho vay mua nhà, các ngân hàng cần có chính sách cho vay đa dạng theo từng phân khúc khách hàng như khách hàng mua nhà/căn hộ thuộc dự án, nhà ở riêng lẻ… nhằm đảm bảo cho vay đúng nhu cầu thực, phù hợp với ngun thu nhập, cũng như khả năng trả nợ của khách hàng".