Theo Chứng khoán Rồng Việt, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định trong tháng 5/2025, trong khi tín dụng tăng tốc mạnh mẽ bất chấp những bất định từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ.
Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện hút ròng 26.500 tỷ đồng trên thị trường mở, với lãi suất duy trì ở mức 4%/năm. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng ổn định và tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng tốc.
Dữ liệu đến ngày 23/5/2025 cho thấy dư nợ cho vay cầm cố trên thị trường mở giảm mạnh xuống còn 44.900 tỷ đồng, tương đương mức giảm 37% so với cuối tháng 4. Trong đó, khoản vay chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn 14 ngày và 35 ngày, chiếm tới 69% tổng dư nợ.
Lãi suất liên ngân hàng nhìn chung ổn định trong tháng qua, với xu hướng tăng nhẹ ở kỳ hạn qua đêm. Lãi suất cho vay qua đêm bình quân trong tháng 5 đạt 3,9%/năm, tăng 0,12 điểm % so với mức trung bình của tháng 4.
Các kỳ hạn dài hơn như một tuần và một tháng ghi nhận xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ. Đơn cử, lãi suất cho vay kỳ hạn một tháng duy trì ở mức 4,3%/năm. Các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định điều này cho thấy việc bơm thanh khoản ở kỳ hạn dài của NHNN đang phát huy tác dụng.
Về lãi suất huy động, tính đến ngày 23/5/2025, lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại là 5,2%/năm, giảm 0,12 điểm % so với cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, trong tháng 5/2025, các ngân hàng thương mại bắt đầu công bố các gói vay ưu đãi mua nhà cho người trẻ, đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng quy mô 500.000 tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng, công nghệ số và sản xuất thông minh.
Tín dụng toàn hệ thống duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong tháng 4/2025, bất chấp các bất định từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 đạt 5,2% so với đầu năm, tương đương mức tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024, cao gấp 2,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm ngoái.
Một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức bình quân toàn hệ thống. Theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản kinh doanh tính đến cuối tháng 2 đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 2% so với đầu năm và tăng mạnh 33% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực thương mại (tăng 17,5% so với cùng kỳ), vận tải (tăng 26%) và nhóm “cho vay khác” (tăng 20,1%) cũng cho thấy mức độ phục hồi và mở rộng mạnh mẽ.
Trên thị trường quốc tế, ba xu hướng lớn đang định hình lại môi trường tiền tệ toàn cầu lo ngại gia tăng về nợ và thâm hụt ngân sách, đặc biệt sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ; khả năng hình thành các thỏa thuận can thiệp thị trường ngoại hối liên quan đến đàm phán thương mại và xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia VDSC, những thay đổi này sẽ định hình triển vọng suy giảm sức mạnh của đồng USD trong trung và dài hạn. Điều này nhìn chung sẽ có lợi đối với việc kiểm soát sự ổn định của tiền đồng.
Thực tế, tỷ giá USD/VND ổn định trong tháng qua trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền khác đều tăng giá so với đồng USD phản ánh một thực tế là áp lực mất giá của tiền đồng vẫn neo giữ trước triển vọng bất định về chính sách thuế quan.
Một kết quả đàm phán thuận lợi sẽ giúp giữ mức mất giá của tiền đồng. Hiện tại, các chuyên gia VDSC vẫn giữ quan điểm tiền đồng có thể mất giá từ 3-5% trong cả năm 2025.