Đổ tiền tỷ vào condotel, nhận trái đắng

18/06/2024 ,11:10

Tin vào những lời cam kết, hứa hẹn của chủ đầu tư, nhiều người dân bỏ tiền tỷ ra mua những căn hộ khách sạn (condotel) đã phải ngậm ngùi vì nhiều năm không được trả lãi. Thậm chí, có dự án chậm tiến độ, người dân muốn chuyển nhượng, thanh lý cũng không được.

Khổ vì condotel

Xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2015, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng dần trở thành phân khúc được các nhà đầu tư đón nhận. Theo đó, hàng loạt các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã được phát triển, tập trung ở khu vực Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...

Tuy nhiên, đến năm 2018 phân khúc này bộc lộ hàng loạt các vấn đề như tính pháp lý của condotel; năng lực vận hành, cam kết của chủ đầu tư, giá... khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy. Đến thời điểm này, nhiều nhà đầu tư ôm hận vì bỏ tiền tỷ vào các condotel nhưng ròng rã nhiều năm trời đi đòi quyền lợi.

Người dân nhiều năm đi đòi quyền lợi khi mua dự án condotel Hạ Long. Ảnh: Ngọc Mai

 

Chị Nguyễn Thị Tiên Duyên (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, khoảng năm 2017 - 2018, dự án FLC Grand Hotel Hạ Long được nhiều sàn môi giới bất động sản rao bán rầm rộ các căn condotel. Sau khi tìm hiểu, chị quyết định mua và đóng đến 95% giá trị căn hộ.

“Căn condotel tôi mua có diện tích 46 m2, giá 1,9 tỷ đồng. Sau khi được chủ đầu tư bàn giao được Cty FLC Hạ Long thuê khai thác, với cam kết lợi nhuận 12% giá trị căn hộ/năm và được thanh toán tiền thuê thành 2 kỳ/năm (30/6 và 30/12) trong 8 năm đầu”, chị Duyên nói.

Theo các chuyên gia, kinh tế hiện tại chưa có nhiều chuyển biến tích cực, dòng tiền thu nhập từ du lịch khó tăng trưởng đột phá. Vì vậy, thị trường condotel có thể mất 5-7 năm tiếp theo để phát triển bền vững hơn. Nếu muốn "phá băng" cần tháo gỡ rào cản về đầu tư xây dựng , cấp phép, cấp sổ hồng cũng như khơi thông nguồn vốn cho bất động sản nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, theo chị Duyên, dù đã có những cam kết rõ ràng theo hợp đồng cho thuê, nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, việc chi trả tiền thuê của FLC không được thực hiện. Việc này đang ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của gia đình chị, bởi đây là số tiền tích cóp và vay ngân hàng .

Tương tự như trường hợp chị Duyên, hàng trăm chủ sở hữu condotel FLC Grand Hotel Hạ Long đang rơi vào tình trạng qua 3 đến 4 kỳ cam kết về lợi nhuận nhưng chưa được Cty FLC Hạ Long chi trả. Mới đây, hàng trăm khách hàng mua condotel tại dự án cùng ký đơn khởi kiện Cty FLC Hạ Long ra Tòa án Nhân dân TP Hạ Long để đòi lại quyền lợi.

Ông Lương Thanh Nhã (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Trong quá trình đi đòi quyền lợi hợp pháp của mình, chúng tôi đã cố gắng ngồi lại với Cty FLC và Cty FLC Hạ Long để hai bên cùng tháo gỡ. Nhưng đáp lại thiện chí của chúng tôi, FLC luôn tìm cách trì hoãn kéo dài nghĩa vụ trả nợ, thậm chí cam kết rất nhiều lần trong biên bản làm việc và sau đó đều không thực hiện”.

PV Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Tập đoàn FLC để trao đổi thông tin nhưng nhiều lãnh đạo cho biết đã nghỉ việc. Phía công ty cũng không có phản hồi các câu hỏi của phóng viên đặt ra.

Hàng chục khách hàng bỏ tiền tỷ ra mua condotel tại dự án Wyndham Thanh Thủy (Phú Thọ) của Cty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji cũng trong cảnh ngậm ngùi vì dự án chậm tiến độ và bị chủ đầu tư gây khó dễ khi không thanh lý cũng không chuyển nhượng được căn hộ.

Chị Nguyễn Hoa (Đống Đa, Hà Nội) bỏ ra hơn 1 tỷ mua căn hộ condotel gần 40m2 cho biết, theo hợp đồng ký kết, thời hạn bàn giao dự kiến quý II/2022 thế nhưng đến nay, chủ đầu tư chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng.

“Chúng tôi rất bức xúc vì dự án chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư không có bất cứ thông báo cũng như bồi thường cho khách hàng. Tôi đã đóng đến 90% nhưng chủ đầu tư bắt đóng 100% mới bàn giao. Thậm chí, thời điểm này, khi muốn chuyển nhượng căn hộ cũng không được chủ đầu tư đồng ý và gây khó khăn cho nhà đầu tư”, chị Hoa nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại điện Cty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji cho biết, do dịch COVID -19 nên chủ đầu tư bàn giao chậm so với kế hoạch. Với khách hàng muốn chuyển nhượng, công ty sẽ có phương án trong thời gian tới bởi hiện tại doanh nghiệp chuẩn bị bán các tòa tiếp theo.

Condotel chưa hết khó?

Trong báo cáo thị trường mới đây, DKRA Group (một đơn vị dịch vụ địa ốc với 13 năm kinh nghiệm) cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là condotel, chưa thoát khó khăn về thanh khoản. Ba tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 4.800 căn mở bán, tập trung ở khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, chỉ có 64 căn được tiêu thụ, tương đương 1%. Hầu hết các dự án đều chung cảnh bán chậm. “90% dự án condotel không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý I”, DKRA cho biết.

Nguồn cung sơ cấp phần lớn đến từ tồn kho của các dự án cũ, còn lượng hàng mới rất ít. 5 địa phương chiếm tỷ trọng nguồn cung sơ cấp cao nhất là Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đều sụt giảm căn mở bán từ 8 đến 21% so với cùng kỳ.

Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường hiện có gần 10.000 sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng mở bán trong quý I, chủ yếu là condotel. Hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án mở bán trước đó. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ chỉ đạt 1,6%, với 160 giao dịch.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels khu vực châu Á- Thái Bình Dương, cho biết phân khúc condotel đã tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2016 - 2019, với 12.000 sản phẩm mới mỗi năm. Tại Việt Nam, condotel kém hiệu quả do chất lượng dự án chưa cao, mô hình trùng lặp, thiếu định hướng bền vững. Thậm chí, shop-house nghỉ dưỡng cũng có xu hướng tương tự.

So với các thị trường condotel trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, ông Mauro cho rằng, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức hơn. Yếu điểm lớn nhất của sản phẩm này là thiếu khung pháp lý. Nguồn cung bùng nổ ở giai đoạn trước cùng chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận cao nhưng các chủ đầu tư không thực hiện đã trở thành điểm yếu khiến dòng sản phẩm này tồn kho lớn.

 

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong