Quy định về thừa kế tài sản mới nhất hiện nay

09/06/2023 ,15:40
Di sản thừa kế có thể được phân chia theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Vậy các vấn đề liên quan đến thừa kế tài sản hiện nay được quy định như thế nào?

​​​​​

 

Thừa kế là gì?

Hiểu một cách đơn giản, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Quyền thừa kế của mọi chủ thể trong quan hệ thừa kế đều được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Song mỗi loại chủ thể có tư cách hưởng di sản thừa kế khác nhau. Không chỉ có người thừa kế mới có quyền hưởng di sản và người nhận di sản chưa hẳn là người thừa kế (ví dụ, người được hưởng di tặng).

Mặt khác, quyền thừa kế là những quyền dân sự cụ thể của người để lại di sản và những người nhận di sản thừa kế. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.

Quyền để lại di sản (thực hiện quyền thừa kế) do cá nhân định đoạt bằng ý chí thông qua việc lập di chúc. Nếu người đó không thể hiện ý chí để định đoạt tài sản thông qua di chúc hoặc sự định đoạt của họ thông qua việc lập di chúc không phù hợp với yêu cầu của pháp luật về di sản mà họ để lại sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật.

Vì thế, người để lại di sản là người mà sau khi chết có tài sản để lại cho người khác theo trình tự thừa kế: Theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.

Người để lại di sản thừa kế chỉ có thể là cá nhân, không thể là pháp nhân hay tổ chức. Trong khi, người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc có thể là người thừa kế nằm trong diện thừa kế nhưng cũng có thể là người nằm ngoài diện thừa kế (không phụ thuộc vào người này có một trong ba mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống hay nuôi dưỡng với người để lại di sản).

Người hưởng di sản thừa kế theo di chúc không chỉ là cá nhân mà còn có thể là Nhà nước, pháp nhân hoặc các chủ thể khác tồn tại với tư cách là tổ chức.

Hình thức thừa kế

Theo quy định hiện hành, có 2 hình thức thừa kế là: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật

Thừa kế tài sản theo di chúc

Theo quy định tại khoản 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 về chia thừa kế đất đai theo di chúc, người lập di chúc có quyền “phân định phần di sản cho từng người thừa kế”. Có thể hiểu, người thừa kế được hưởng phần đất đai phụ thuộc vào nội dung di chúc nếu di chúc đó hợp pháp.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động

Do đó, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con đã thành niên không có khả năng lao động của người lập di chúc sẽ được thừa kế bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó.

Thừa kế theo pháp luật

Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Các trường hợp thừa kế theo pháp luật: Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, chia thừa kế theo pháp luật trong các trường hợp sau đây:

- Không có di chúc;

- Di chúc không hợp pháp;

- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 650 của Bộ luật Dân sự 2015, khi chia thừa kế theo di chúc, vẫn có thể chia thừa kế theo pháp luật trong các trường hợp sau đây:

- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Chia thừa kế theo pháp luật: Tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thứ tự hàng thừa kế để nhận di sản thừa kế theo pháp luật, như sau:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, 3 Điều này thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người khác còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Khi xảy ra tranh chấp di sản thừa kế, cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo trình tự bộ luật tố tụng dân sự quy định.

Thành phần hồ sơ khởi kiện:

+ Đơn khởi kiện (theo mẫu)

+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

+ Bản kê khai các di sản;

+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

+ Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (Nếu có).

Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Theo quy định tại Điều 623 của Bộ luật dân sự 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

– Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật dân sự;

– Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự.

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến thừa kế tài sản theo quy định hiện hành bạn đọc có thể tham khảo.

 

 

Phương Vũ (TH)

Tin cùng danh mục

Tin mới nhất