Theo đó, tại buổi họp, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các sở ban ngành sớm chuẩn bị đầu tư cho các dự án lớn như cầu đường Nguyễn Khoái, vành đai 2, cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài, đường nối cao tốc Chơn Thành, thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ, bảo tàng Tôn Đức Thắng...
Những dự án trên đều có ý nghĩa lớn về kề nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong những năm tới.
Cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài , UBND Tp.HCM đã có Tờ trình số 1890/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài giai đoạn 1 theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Theo nội dung tờ trình, dự án này sẽ có chiều dài gần 51km, trong đó đoạn qua địa phận Tp.HCM là 24,66 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26.317 km.
Dự án có điểm đầu giao với đường vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM; điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 (tại lý trình Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 19.617 tỉ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia là 9.674 tỉ đồng (chiếm 49,31% tổng mức đầu tư), phần còn lại vốn nhà đầu tư BOT là 9.943 tỉ đồng. Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 14 năm 10 tháng.
Đối với dự án cầu đường Nguyễn Khoái trong năm 2024 sẽ hoàn thành các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công xây dựng công trình, bao gồm các hạng mục cầu và đường dẫn phía Quận 1 vào quý 4/2024.Năm 2025 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án, bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công. Năm 2026 - 2027 tổ chức thi công hoàn thành toàn bộ công trình đưa vào khai thác.
Dự án cầu đường Nguyễn Khoái đã được HĐND Tp.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016 với tổng mức đầu tư khoảng 1.250 tỉ đồng, quy mô khoảng 1 km bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam (quận 7) tới điểm cuối là đường Bến Vân Đồn (quận 4). Tuy nhiên, sau đó dự án phải nhiều lần điều chỉnh và tăng vốn đầu tư. Hiện nay, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 3.700 tỉ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 1.264 tỉ đồng và chi phí xây dựng là 1.748 tỉ đồng).
Dự án cầu đường Nguyễn Khoái được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, tăng thêm kết nối giữa hai khu vực.
Cơ quan chức năng cũng đang gấp rút hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị khởi công hai đoạn quan trọng của tuyến đường Vành đai 2 qua T p. Thủ Đức vào cuối năm 2024.
Dự án này được triển khai gồm đoạn 1 dài dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội), được đầu tư giai đoạn một với mức vốn khoảng 9.328 tỉ đồng.
Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,8 km, tổng kinh phí 4.543 tỉ.
Cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ từ đầu, rộng 67 m, sau đó xây đường song hành hai bên và làm các nút giao. Phần đất trống giữa tuyến sẽ dự trữ cho việc triển khai sau này.
Dự án Vành đai 2 – TP.HCM quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64km, quy mô 6 - 10 làn xe. Dự án đi qua địa bàn TP.Thủ Đức, quận 2, 7, 8, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ trở thành trục đường quan trọng giúp phân luồng, giảm ùn tắc giao thông ở nội thành cũng như tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc...
Đối với dự án đường dẫn cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành dài khoảng 1,7km từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 qua địa bàn Tp.Thủ Đức dự kiến sẽ được Tp.HCM đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách khoảng 2.000 tỉ đồng.
Theo Nhịp sống thị trường