Sự phá sản của Silicon Valley Bank (SVB) vào cuối tuần qua là một dấu mốc đáng nhớ của thị trường tài chính toàn cầu khi đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008. Vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là liệu tình trạng này có nguy cơ lan rộng hay không hay chỉ là hiệu ứng tâm lý.
Để trả lời cho vấn đề này, Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long đã có chia sẻ trên kênh Tài chính Kinh doanh. Theo ông, muốn đánh giá được vấn đề này cần phải nhìn vào quy mô và phạm vi hoạt động của ngân hàng này.
SVB có quy mô tổng tài sản khoảng 200 tỷ USD, so với quy mô tài sản của hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện tại là không lớn, chỉ khoảng ở cỡ vừa chứ không phải thuộc nhóm "khủng". Nó nhỏ hơn nhiều so với quy mô của những ngân hàng như Bear Stearns (phá sản năm 2008) với tổng tài sản 350 tỷ USD là bước khởi đầu của khủng hoảng tài chính 2008.
Với quy mô thị trường và thanh khoản như hiện nay thì FDI C cũng có thể mang đống tài sản của SVB bán đi một cách dễ dàng.
"Chất lượng tài sản của SVB khá là ổn mặc dù vốn thì đã bị hụt hết. Chính vì chất lượng tài sản nên Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) khá mạnh tay trong việc xử lý và tuyên bố phá sản SVB", ông Long chia sẻ.
Chuyên gia cũng cho biết FDIC đã rất nhanh chóng trong việc xử lý phá sản cho SVB. Có vẻ như ngay trong ngày thứ Bảy (11/3) họ đã xử lý xong dữ liệu và ngay sáng thứ Hai (13/3) FDIC đã có thông cáo chính thức trên website của mình rằng đã xác định được thông tin của người gửi tiền.
Thông thường để ra được những thông tin này, FDIC phải làm việc để xác định trạng thái của những người gửi tiền, ví như ngưỡng tiền gửi của khách hàng có vượt mức bảo hiểm tiền gửi hay không và còn thêm các thông tin liên quan đến các khoản đầu tư, khoản nợ hay nghĩa vụ khác của khách hàng tại đây.
Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, chuyên gia Phan Lê Thành Long cho rằng tại ngân hàng cỡ nhỏ tại Việt Nam để xác định những dữ liệu dạng như vậy có khi phải mất cả năm, nhưng với FDIC họ chỉ xử lý xong trong một ngày.
Nhận định về khả năng lan rộng của sự sụp đổ này, ông Long nhận định rằng vụ việc của SVB sẽ không tạo ra hiệu ứng lan truyền, mà chỉ là vấn đề tâm lý trên thị trường.
"Bản thân vụ việc của SVB sẽ không lan rộng nhưng vấn đề lớn nhất là chính vụ việc này cho thấy tốc độ tăng lãi suất của Fed đã tạo ra những mầm mống, thực trạng suy giảm giá trị tài sản của các ngân hàng Mỹ", ông nói.
Thực tế cho thấy rằng ngay sau đó ngân hàng Signature Bank cũng tuyên bố phá sản và FDIC phải vào xử lý mặc dù có quy mô nhỏ (khoảng 20 tỷ USD).
Sự việc SVB đã khiến cho nhiều chuyên gia kỳ vọng Fed sẽ có sự thay đổi về chính sách tăng lãi suất của mình. Theo nhận định mới nhất của Goldman Sach, Fed có thể sẽ không tăng lãi suấttrong kỳ họp tới.
Trên thực tế, nếu như không có sự kiện SVB đổ vỡ cho thấy dấu hiệu rõ ràng của sự ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng Mỹ thì Fed sẽ tăng lãi suất và thậm chí tăng mạnh.
Tuy nhiên, những tình huống mới này sẽ khiến các thành viên của Fed phải cân nhắc rất kỹ lưỡng và sức ép lên các thành viên của FOMC của Fed trong tuần tới là vô cùng lớn trong quyết định về lãi suất. "Họ sẽ phải cân nhắc tới những yếu tố mới phát sinh chứ không chỉ chăm chăm vào vấn đề lạm phát nữa", ông Long cho hay.
Theo chuyên gia, mặc dù "căn bệnh" của các ngân hàng tại Mỹ không tới chúng ta nhưng tại các ngân hàng Việt Nam cũng có những mầm bệnh tương tự như vậy.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, cho hay các danh mục trái phiếu của ngân hàng không được đánh giá lại và lãi lỗ không được thể hiện trên bảng cân đối tài chính. Bởi vì các tài sản như trái phiếu không có thị trường giao dịch nên giá không được niêm yết ở đâu, do đó cũng không biết giá là bao nhiêu.
"Vào những năm tiền rẻ thì các ngân hàng sẵn sàng mua trái phiếu chính phủ thời gian tới 10 năm với lãi suất 3-4%/năm. Khi lãi suất tăng, cho tới hiện tại các khoản này bản chất là lỗ", ông Tuấn cho biết. Cách hạch toán kế toán của chúng ta chưa thể hiện được khoản lỗ này ở thời điểm đó. Do đó bệnh này chưa được phát ra ngoài.
Trong thời gian qua, sức khoẻ và năng lực quản trị của các ngân hàng Việt cũng tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Hệ thống quản trị ở Việt Nam tuy chưa đạt tiêu chí Basel III (các ngân hàng Mỹ đang áp dụng) nhưng các nhà điều hành lại có những cách quản lý bằng những tiêu chí cụ thể.
Trước đó, chia sẻ với chúng tôi,ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng mô hình quản trị rủi ro của SVB cũng có vấn đề khi chuyên huy động ngắn và cho vay dài hạn, mô hình này cũng không lạ lẫm ở các ngân hàng Việt Nam.
Tại Việt Nam, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (LDR) được quy định đến năm 2022 là 30% theo Thông tư 22 cũng là một trong những cách để giảm thiểu rủi ro mất cân đối vốn của các ngân hàng.
"Sau vụ việc này, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ càng kiên định việc kiểm soát tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của các ngân hàng thương mại," ông Minh cho hay.
Với thị trường chứng khoán trong nước, theo các chuyên gia của AFA Capital, những tác động là quá ngắn hoặc có thể nói là không có tác động nhiều. Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng hay giảm chủ yếu do những yếu tố nội tại mình. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại cũng phải cẩn trọng, không nên quá lạc quan, nên có những bước chuẩn bị khi nhiều biến cố không thể lường trước được.
Với độ mở lớn của nền kinh tế như hiện tại, nếu kinh tế thế giới sụt giảm hoặc có cú sốc thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn những năm 2008 rất nhiều mặc dù năng lực quản trị tốt hơn.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh