Mặc dù lãi suất giảm nhưng dòng vốn vào bất động sản vẫn chưa được khơi thông. Các ngân hàng vẫn thừa tiền trong khi việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp và người dân vẫn còn hạn chế.
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế năm 2023 đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng năm 2023 ước khoảng 13,5%, đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đâu đó tiền vẫn còn dư thừa trong hệ thống ngân hàng.
Tiền gửi ngân hàng trong năm qua vẫn tăng dù lãi suất huy động liên tục giảm sâu, điều này có phần trái ngược với diễn biến thông thường.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm cũng ở mức 0,2 - 0,5%/năm, thấp kỷ lục từ khi thị trường được thành lập.
Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 cũng giảm nhanh chóng. Lãi suất huy động bình quân với các giao dịch mới phát sinh là 3,9%/năm, các giao dịch cho vay mới là 6,7%/năm, giảm trên 2,5 điểm % so với cuối năm 2022.
Mặc dù vậy, vẫn có độ trễ giữa lãi suất huy động và lãi suất đầu ra (cho vay), do nhiều nguyên nhân. Điều này khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay được đánh giá vẫn ở mức cao.
Tiền nhàn rỗi trong dân vẫn được coi là một nguồn tiền tiềm năng cho thị trường bất động sản. Còn nhớ giai đoạn 2020 – 2021, dòng tiền rẻ (kết quả của chính sách mở rộng tín dụng, giảm lãi suất) đã đổ mạnh vào bất động sản khiến thị trường nóng sốt khắp nơi.
Câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là liệu sang năm 2024 người dân, dòng tiền nhàn rỗi từ ngân hàng có đổ vào kênh bất động sản hay không?
Chia sẻ tại Diễn đàn thị trường bất động sản 2024 – Vượt qua thách thức do Hội Môi giới Bất động sản (VARs) tổ chức ngày 5/1, TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) đánh giá, tình hình tài chính cho thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang gặp một số vấn đề.
Cụ thể, lãi suất huy động đã giảm rất mạnh nhưng lãi suất cho vay thực tế vẫn chưa giảm nhiều. Mức lãi suất cho vay hiện nay vẫn dao động trong khoảng 10 – 12% vẫn chưa phải là mức lãi suất hấp dẫn, theo đánh giá của nhiều khách hàng vay mua nhà. Mặc dù lãi suất năm đầu tiên (lãi suất ưu đãi) đã giảm còn khoảng 6 – 7% nhưng lãi suất thực tế thả nổi đang còn rất cao.
Theo vị này, những nhà đầu tư luôn có tầm nhìn trung và dài hạn, tức là không thể chỉ vay ngân hàng một năm với mức lãi suất thấp và kỳ vọng bán ra được ngay. Ở thời điểm hiện tại, thời gian để các nhà đầu tư thoát hàng ít nhất là 2 – 3 năm. Do đó, nhiều người có tâm lý không vay tiền để đầu tư bất động sản giai đoạn này.
Ông Khôi đánh giá, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp chính sách kích cầu người dân vay vốn ngân hàng để thúc đẩy thị trường bất động sản nhưng vẫn chưa có sự khả quan.
“Để giải quyết vấn đề này tôi nghĩ niềm tin rất quan trọng. Mà nhắc tới niềm tin là nhắc tới tính thanh khoản của thị trường, trong khi đó thanh khoản hiện nay đang ở mức gần thấp nhất trong lịch sử.
Theo một khảo sát của chúng tôi, giai đoạn 2019 – 2020, thanh khoản thị trường ở mức rất cao, lên tới khoảng 90%. Còn ở thời điểm hiện tại, thanh khoản chỉ đạt 10 – 20%, Hà Nội thường có thanh khoản tốt hơn cũng chỉ đạt khoảng 30%. Tức là 10 người bán thì chỉ có ba người thoát được hàng. Do đó, các nhà đầu tư đang rất lo lắng và e ngại khi tham gia thị trường. Vì vậy, rất cần có những giải pháp để tạo thanh khoản cho thị trường trong thời gian tới”, chuyên gia nhấn mạnh.
Đối với các nhà đầu tư, ông Khôi cho rằng phần lớn họ đang chấp nhận một mức lợi nhuận thấp hơn. Mặc dù lãi suất tiền gửi hiện nay chỉ còn khoảng 3 – 5% một năm nhưng suy đi tính lại, khi nhìn vào các kênh đầu tư khác cũng không mấy khả quan.
Theo đó, đầu tư bất động sản hiện đang khó khăn, chứng khoán cũng đang có rất nhiều rủi ro. Chỉ có kênh vàng hiện đang được khá nhiều nhà đầu tư lựa chọn, đây cũng là một trong những lý do khiến giá vàng tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
“Vì vậy, năm 2024 các nhà đầu tư vẫn khó tìm được kênh đầu tư thay cho kênh gửi tiết kiệm nên họ vẫn chấp nhận mức lãi suất tiền gửi thấp ở thời điểm hiện tại. Chỉ khi nào thanh khoản của thị trường bất động sản được cải thiện thì lúc đó mới kỳ vọng niềm tin của người mua quay trở lại”, chuyên gia nhận định.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh