Chật vật vì "cạn room"
Theo báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng thì tính đến hết tháng 9/2018, tăng trưởng dư nợ tín dụng nhiều ngân hàng đã sắp chạm trần. Đơn cử như Vietcombank 15%, Vietinbank 12%, HDBank 14%; MB 10%; LienVietPostBank 13,5%, ACB, Kienlongbank 11%...
Việc sắp hết hạn mức tín dụng khiến nhiều ngân hàng khá chật vật trong việc phê duyệt các khoản vay mới và đng loạt xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “nới room”. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tầm trung than thở, hiện nhiều khoản vay dù chỉ vài trăm triệu nhưng vẫn phải xếp hàng vì phải chờ ngân hàng tất toán những khoản nợ cũ mới cho vay được.
Hay như trường hợp LienVietPostBank – một ngân hàng đã “ngấp nghé” room (14%) thì nhiều tháng nay phải giữ tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 13,5%. Để đảm bảo con số này, lãnh đạo LienVietPostBank cho hay, ngân hàng phải tính toán 2 phương án. Thứ nhất là chờ tất toán các khoản vay cũ thì mới giải ngân khoản vay mới. Thứ hai là cơ cấu lại các khoản vay, chuyển những khoản vay lớn được tất toán sang các khoản vay nhỏ hơn.
Hiện một số ngân hàng đã có đơn gửi NHNN để xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có duy nhất Techcombank được chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Ngoài Techcombank, HDBank được xem là trường hợp đặc biệt, nếu sớm hoàn tất kế hoạch sáp nhập thêm PGBank thì nhiều khả năng ngân hàng này cũng sẽ được nới thêm room.
Cẩn trọng khi nới room tín dụng
Báo cáo của NHNN gửi Quốc hội mới đây cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2018, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 9,89% so với cuối năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%.
Việc nới room tín dụng sẽ được NHNN xem xét thận trọng
Theo lãnh đạo NHNN, ngay từ đầu năm, Quốc hội và Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%. Trên cơ sở đó, NHNN đã xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Mục tiêu điều hành tín dụng năm nay là tăng tối đa 17% được cho là con số hài hòa với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cũng như sức hấp thụ của nền kinh tế…
Hi tháng 8/2018, NHNN cũng đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Theo đó, NHNN cho biết sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém)…
Việc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng sẽ dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, quy mô tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ.
Theo nhiều dự đoán, có thể trong tháng 11 này, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho một số ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nới room tín dụng cần được xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vài năm trở lại đây, việc NHNN cho phép các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, ngoài mặt tích cực thì một hậu quả có thể nhìn thấy là con số nợ xấu đã tăng mạnh trong báo cáo tài chính của các ngân hàng năm nay. Không ít ngân hàng đã rất mạnh tay cho vay bất động sản, chứng khoán – vốn là 2 lĩnh vực rủi ro.
“Năm nay, NHNN đã siết lại, toàn ngành ở mức 17%, một số ngân hàng thậm chí chỉ trên dưới 10%, tôi cho là phù hợp” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng sẽ không có nhiều ngân hàng được xem xét thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.