Theo TS. Cấn Văn Lực Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Fed và các ngân hàng trung ương hạ lãi suất ở ba yếu tố gồm: Tỷ giá, xuất khẩu và dòng vốn.
Trong thông báo mới nhất sau cuộc họp ngày 20/3 (theo giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất quanh mức 5,25% - 5,5%. Tuy nhiên, các dự báo vẫn cho rằng Fed sẽ tiến hành ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, bắt đầu từ giữa năm và mỗi đợt 0,25 điểm %.
Việc Fed hạ lãi suất theo các chuyên gia sẽ tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ linh hoạt hơn trong điều hành khi không phải chịu sức ép từ áp lực lên giá đồng USD bởi việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ khiến USD suy yếu.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng việc Fed và ngân hàng trung ương các nước lớn hạ lãi suất sẽ có ba tác động rất tích cực đối với kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, áp lực lên tỷ giá chắc chắn sẽ giảm đi nhiều. Nguyên nhân là chênh lệch lãi suất giữa USD và VND hiện đang ở mức cao do Fed giữ mức lãi suất cao kỷ lục còn Việt Nam thì đã hạ lãi suất từ năm ngoái. Vì vậy, khi chỉ số USD Index lên cao trong thời gian gần đây, tỷ giá đang có phần dậy sóng.
Việc các ngân hàng trung ương lớn hạ lãi suất sẽ khiến chênh lệch lãi suất của VND và USD cũng như nhiều đồng nội tệ khác sẽ bớt đi và như thế sẽ giảm áp lực về tỷ giá.
Thứ hai là chi phí huy động vốn bằng USD cho cả người dân, doanh nghiệp và Chính phủ đều giảm. Ở Mỹ, vay nợ rất phổ biến, người dân, hộ gia đình chủ yếu đi vay vì vậy khi lãi suất giảm, phục hồi tăng trưởng mạnh hơn, tiêu dùng cũng tốt lên.
Việc tiêu dùng của Mỹ và các nước phát triển phục hồi trở lại là cơ hội rất lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng âm, đặc biệt xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ đã tăng 33,7%. Nửa cuối năm nếu Fed hạ lãi suất sẽ là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh hơn nữa.
Thứ ba là việc Fed hạ lãi suất sẽ khiến xu hướng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư bớt xáo trộn hơn bởi lãi suất USD còn ở mức cao như thời gian vừa qua thì dòng vốn đầu tư sẽ quay trở về Mỹ và các nước khác nhiều hơn trong đó có thị trường Việt Nam.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đã chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Làm được điều này cùng với việc các ngân hàng Trung ương lớn hạ lãi suất, đây sẽ là hai yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp trong nửa cuối năm và năm tiếp theo.
TS. Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt 6,0% - 6,5% và lạm phát hoàn toàn trong tầm kiểm soát dưới 4%.
Bình luận về xu hướng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn tại sự kiện "Chọn danh mục, đón sóng lớn" do VPBankS tổ chức chiều 27/3, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research cũng cho rằng hầu hết dự báo đều cho rằng trong nửa cuối năm 2024, Fed và ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ hạ lãi suất.
Nguyên nhân là lạm phát trên thế giới nói chung và tại các quốc gia này đã có xu hướng giảm rất rõ ràng trong hai năm trở lại đây khi nguồn chuỗi cung ứng được khôi phục. Tuy nhiên, mức lạm phát hiện tại vẫn đang cao hơn so với mặt bằng trước giai đoạn COVID-19. Đồng thời, lạm phát lõi đang giảm khá chậm dẫn đến tốc độ hạ lãi suất của các ngân hàng Trung ương cũng chậm hơn so với kỳ vọng của giới đầu tư.
Dù vậy, Fed và ngân hàng trung ương các nước buộc phải hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, vấn đề là mức giảm đến đâu? Theo kịch bản mà giới phân tích đang nghiêng về Fed sẽ giảm lãi suất từ giữa năm, cùng thời điểm hạ lãi suất của các ngân hàng Trung ương lớn. Điều này sẽ khiến áp lực tỷ giá sẽ giảm mạnh.
Tuy nhiên, trong trường hợp kinh tế toàn cầu có những biến động thì tỷ giá vẫn sẽ chịu áp lực tương đối lớn. Hiện Fed đang duy trì mức lãi suất cao nhất lịch sử còn Việt Nam thì hạ lãi suất sớm gây ra chênh lệch lãi suất lớn, gây áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, chênh lệch giá vàng Việt Nam và thế giới rất lớn khiến nhu cầu USD ở thị trường tự do lớn, đây cũng có thể là một yếu tố tác động ngắn hạn lên tỷ giá.
Chính phủ đã có những chỉ đạo kiểm soát thị trường vàng và NHNN hút ròng qua tín phiếu thì kỳ vọng nửa cuối năm 2024 khi Fed hạ lãi suất và ngân hàng Trung ương châu Âu hạ lãi suất khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các nước lớn sẽ được thu hẹp lại áp lực lên tỷ giá sẽ không quá lo ngại.
Theo chuyên gia VPBankS, khi các ngân hàng Trung ương lớn giảm lãi suất ở nửa cuối năm, áp lực tỷ giá sẽ giảm mạnh, dự báo tỷ giá USD/VND cả năm dao động trong khoảng 23.780 – 24.500 đồng, dự trữ ngoại hối tăng lên từ 100 tỷ USD lên 110 tỷ USD.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh