Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2 đã đề ra một loạt các giải pháp cơ cấu lại thị trường.
Trong đó, việc bắt buộc các ngân hàng thương mại lên sàn là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường. Cụ thể, đề án yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020. Toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức HoSE, HNX, UPCoM.
Thực tế, yêu cầu "lên sàn" đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hi tháng 8 năm ngoái.
Theo Chiến lược đề ra, một trong các mục tiêu của ngành ngân hàng đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam, nghĩa là niêm yết trên HoSE hoặc HNX mà không còn được đăng ký giao dịch trên UPCoM. Yêu cầu trên cũng xuất phát từ ngân hàng là một ngành kinh doanh khá đặc biệt khi hàng hóa ở đây là tiền tệ.
Hiện chỉ có 17 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết/ đăng ký giao dịch trên cả ba sàn. Con số trên chỉ tương đương hơn một nửa số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần (31 ngân hàng). Một số ngân hàng cũng đã lên kế hoạch lên sàn trong năm qua nhưng chưa thực hiện thành công.