Theo thông tin hoạt động Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, tuần từ 12 đến 16/11/2018 mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5-7,3%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần có xu hướng biến động trái chiều ở các kỳ hạn chủ chốt so với tuần trước. Cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần tăng nhẹ lần lượt 0,03%/năm và 0,05%/năm lên mức 4,79%/năm và 4,76%/năm; kỳ hạn 01 tháng lãi suất giảm nhẹ 0,02%/năm xuống mức 5,02%/năm.
Diễn biến lãi suất khảo sát cụ thể tại các ngân hàng thương mại cho thấy sự tăng lên đáng kể từ đầu tháng 10/2018. Trong đó mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn thấp hơn đáng kể so với lãi suất tại các ngân hàng thương mại tư nhân.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi từ 12 tháng trở lên của hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước phổ biến từ 6,6%-7,0%/năm; tại các ngân hàng thương mại tư nhân phổ biến từ mức 7,6%-8,5%/năm.
Thanh khoản căng, lãi suất tăng ở thời điểm cuối năm là hiện tượng thường thấy trên thị trường tài chính Việt Nam, do nhu cầu vốn cho sản xuất cuối năm của doanh nghiệp tăng cao để phục vụ sản xuất hàng Tết và tất toán các khoản lương, thưởng cho người lao động.