Báo cáo trong phiên họp báo chính phủ thường kỳ gần đây, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt 4,67%. Trong khi, ở cùng kỳ năm trước, con số này chỉ đạt chưa tới 2%.
Mặt khác, huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng. Tới ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới đạt 0,54% trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 1,47%, số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Theo giới chuyên gia, điều này đang tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ không còn dư thừa nhiều như trong năm 2020.
Tuy vậy, trong thời gian tới, BVSC cho rằng mức tăng của tín dụng sẽ không quá "nóng", đủ để gây áp lực lên mặt bằng lãi suất nói chung trên thị trường, khi NHNN áp hạn mức tín dụng cho phần lớn các ngân hàng ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước và dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp.
Thêm vào đó, với tăng trưởng lạm phát được đánh giá sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021, BVSC kỳ vọng sẽ duy trì mặt bằng thấp so với các năm 2019 trở về trước.
Có cùng quan điểm, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng mặc dù chênh lệch huy động và tín dụng thu hẹp, thanh khoản các ngân hàng cũng kém hơn; nhưng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp trở lại như hiện nay, cầu tín dụng có thể bị ảnh hưởng và NHNN cũng sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Mặt bằng lãi suất vẫn sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong quý II/2021 do thanh khoản các ngân hàng vẫn khá di dào", SSI Research dự báo.