Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nếu dành nguồn lực cho bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn thì tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: SBV)
Tại buổi làm việc Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiều 6/7, qua chia sẻ cùng với đại diện các doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận thấy rằng, bối cảnh hiện nay, người dân và doanh nghiệp đặc biệt là SME đều đang rất khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Thống đốc cho rằng những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đòi hỏi nhiều giải pháp từ phía nhiều cơ quan, bộ ngành, địa phương và cả bản thân các doanh nghiệp nữa. Về lĩnh vực ngân hàng, hai vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm là lãi suất và tiếp cận tín dụng.
Về vấn đề lãi suất, NHNN Việt Nam là một trong số rất ít các NHTW trên thế giới giảm lãi suất.Trong những tháng đầu năm, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, đưa lãi suất điều hành về mức trước dịch COVID-19 xảy ra. Các TCTD cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, do chính sách có độ trễ nên có thể các TCTD sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Thống đốc nhận định việc hạ lãi suất là một cố gắng của NHNN bởi khi hạ lãi suất, NHNN phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể làm sao ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, hiện nay Luật TCTD quy định các TCTD yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích. Những vấn đề này hoàn toàn do TCTD tự quy định trong quy trình nội bộ của chính TCTD.
Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02 cho phép các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng các NHTM cổ phần huy động lãi suất cao nên cho vay lãi suất cao hơn, có ngân hàng huy động ở tỉnh này lại cho vay ở tỉnh khác, doanh nghiệp không vay được.
Với ý kiến này, Thống đốc giải thích việc quyết định lãi suất huy động và cho vay là do các TCTD tự quyết định, trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nếu không vay được của NHTM cổ phần thì vẫn có lựa chọn vay của các NHTM Nhà nước.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, hiện nay chúng ta có riêng một Luật hỗ trợ SME và 5 Nghị định hướng dẫn Luật. Nhưng vấn đề thực thi các chính sách này mới là điều quan trọng.
Trong số các giải pháp hỗ trợ, Thống đốc cho rằng, việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng dụng địa phương là rất quan trọng bởi địa phương nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.
Nếu dành nguồn lực cho bảo lãnh cho SME vay vốn, Thống đốc tin rằng, tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và SME được hỗ trợ nhiều hơn.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng, bản thân SME cũng cần khắc phục những hạn chế của mình bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. Bởi vậy, SME cần phải nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin....
Hiện nay, vấn đề đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn. Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhưng về phía các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến chất lượng hàng hoá, dịch vụ, khi hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm…, sẽ khuyến khích khách hàng mua hàng của doanh nghiệp.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh