Trong đó, các dữ liệu về tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn tự có và hệ số an toàn vốn (CAR) được NHNN cập nhật tính đến hết tháng 11/2018, còn số liệu về tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) và tổng tài sản (ROA) cập nhật tại thời điểm hết quý 3/2018.
Đến cuối tháng 11/2018, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt trên 10,8 triệu tỷ đng, tăng 8,23% so với đầu năm. Vốn tự có đạt 785,66 nghìn tỷ, tăng 10,02% so với đầu năm; vốn điều lệ đạt 570,8 nghìn tỷ tương đương tăng 11,4%.
Về khả năng sinh lời, sau khi đã loại các tổ chức tín dụng có vốn chủ sở hữu âm, NHNN đã công bố những số liệu đáng chú ý, với khả năng sinh lời cao nhất không phải thuộc về nhóm các ngân hàng cổ phần, cũng chẳng thuộc về nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.
Cụ thể, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cao nhất thuộc về nhóm công ty tài chính, cho thuê với 3,02%, đứng thứ hai là Ngân hàng chính sách xã hội với ROA đạt 1,02%.
Nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước có ROA chỉ đạt 0,52%, thấp hơn nhiều so với mức 0,76% của các ngân hàng cổ phần và mức 0,88% của các ngân hàng liên doanh, nước ngoài. Nếu tính toàn hệ thống thì ROA đạt bình quân 0,70% tại thời điểm quý 3/2018.
Còn về tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), nhóm các công ty tài chính, cho thuê cũng đang dẫn đầu với 13,83%, tiếp theo là Quỹ tín dụng nhân dân với mức 12,95%. ROE của các ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 10,21%, cao hơn so với mức 9,88% mà các ngân hàng cổ phần tư nhân có được. Đây cũng là 4 nhóm tổ chức tín dụng có ROE đạt cao hơn mức trung bình toàn ngành (9,06%).
Còn lại, ROE của các ngân hàng liên doanh đạt 5,7%; của Ngân hàng hợp tác xã đạt 3,22% và của Ngân hàng Chính sách xã hội là 5,38%.