Đầu tư Bất động sản không phải lúc nào cũng dễ dàng. Việc tìm kiếm Bất động sản phù hợp, phân bổ ngân sách phù hợp và quản lý Bất động sản tốn rất nhiều thời gian và công sức. Và cũng giống như trong mọi hoạt động đầu tư khác, những kẻ xấu luôn ẩn nấp ở đâu đó với mục tiêu là chiếm đoạt thành quả đầu tư của bạn.
Hoạt động đầu tư bất động sản thay đổi theo thời gian. Và những chiêu trò lừa đảo trong đầu tư bất động sản cũng liên tục đổi mới. Những kẻ xấu không ngừng nâng cấp các phương thức lừa đảo khiến chúng trở nên tinh vi hơn. Vì vậy, hãy cùng tìm hiểu một số thủ đoạn lừa đảo đầu tư bất động sản phổ biến nhất để bạn có thể nhận biết và tránh được những “cạm bẫy” này.
Phần lớn nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này là những chủ nhà đang gặp khó khăn trong việc trả khoản vay thế chấp hoặc đang đối mặt với việc bị phát mãi tài sản thế chấp. Kẻ lừa đảo sẽ giả mạo người cho vay hoặc đại diện của tổ chức cho vay và đề nghị sửa đổi khoản vay tạo điều kiện cho chủ sở hữu trả số tiền ít hơn. Thậm chí, chúng có thể đảm bảo rằng tài sản của chủ nhà sẽ không bị phát mãi. Nhưng tất nhiên, chủ sở hữu bất động sản sẽ phải trả một khoản phí. Đây là một “cảnh báo đỏ” rất lớn. Chủ nhà cũng sẽ nhận được yêu cầu gửi cho chúng thông tin cá nhân, chẳng hạn như ảnh chụp căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng,...
Những thủ đoạn lừa đảo này cực kỳ xảo quyệt. Chúng có thể dùng các trang web giả mạo có logo chính thức của các tổ chức cho vay hoặc thậm chí tên miền của trang có cụm từ “.gov”. Tuy nhiên, bạn có thể tránh được chiêu trò lừa đảo này bằng cách chỉ liên hệ và trao đổi với đại diện của tổ chức cho vay hoặc người cho vay mà bạn đã làm việc để vay tiền mua nhà trước đó, ngay cả khi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán.
Dấu hiệu chính của chiều trò lừa đảo này là yêu cầu thanh toán một khoản phí để đảm bảo tài sản không bị phát mãi và yêu cầu thông tin cá nhân. Ngoài ra, hãy cẩn trọng với bất kỳ cá nhân hoặc bất kỳ cơ quan nào yêu cầu thông tin tài khoản ngân hàng của bạn. Rất có thể, đó là những kẻ xấu đang tìm cách lợi dụng bạn.
Phần lớn các nhà đầu tư quan tâm đến việc chọn mua bất động sản sẽ tìm kiếm thông tin trên internet. Do đó, những kẻ lừa đảo cũng chuyển sang sử dụng Internet để “đặt bẫy”. Chúng sẽ chọn một bất động sản đang được niêm yết và đương nhiên tài sản đó không phải của chúng. Kẻ xấu sẽ đăng nó lên trang web của riêng chúng hoặc trên các trang web rao bán bất động sản phổ biến nhưng thay thế thông tin của chủ sở hữu tài sản đó bằng thông tin của chúng. Sau đó, người mua được yêu cầu chuyển khoản thanh toán cho bên thứ ba sau khi lựa chọn bất động sản đó.
Một hình thức khác của thủ đoạn này đó là những kẻ lừa đảo sẽ chào bán một tài sản với giá rất rẻ. Chúng sẽ yêu cầu những người mua quan tâm điền vào đơn đăng ký và trả một khoản phí nhất định. Sau đó, chúng sẽ biến mất cùng khoản phí đó, hoặc liên hệ lại với người mua và cho biết đơn đăng ký của người mua đã bị từ chối.
Tóm lại, dấu hiệu chính của chiêu trò này đó là chúng sẽ yêu cầu người mua thanh toán hoặc chuyển khoản một khoản tiền, ngay cả khi hai bên chưa gặp nhau hoặc chưa ký bất kỳ văn bản pháp luật nào.
Trong nhiều hội thảo, những kẻ lừa đảo sẽ giả vờ muốn giúp đỡ các nhà đầu tư, nhưng thực chất đó là một dạng mồi nhử. Chuyên gia “giả mạo” sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư cả tin những lời khuyên “làm giàu nhanh chóng”. Điều này sẽ xây dựng niềm tin của nhà đầu tư dành cho chuyên gia. Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ cung cấp thông tin về những bất động sản có sẵn trong một thời gian giới hạn để thu hút các nhà đầu tư “tay mơ”.
Nếu các nhà đầu tư mua tài sản một cách vội vàng, họ có thể không thể xác định được tiềm năng cũng như mức độ đáng tin cậy của bất động sản đó một cách chính xác. Tuy nhiên, sau khi đã mua, nhà đầu tư thường mới nhận ra rằng tài sản đó có vấn đề.
Để tránh những thủ đoạn kiểu này, hãy nghiên cứu một cách thật cẩn thận. Quan trọng là hãy tìm hiểu kỹ về chuyên gia cũng như các bất động sản mà họ giới thiệu. Nghiên cứu cũng sẽ giúp bạn tìm kiếm được các chuyên gia uy tín và các công ty liên kết đáng tin cậy.
Dương Thảo An (Mashvisor)