Ba động lực cho thị trường bất động sản năm 2025

07/01/2025 ,11:57

Thị trường bất động sản vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi cùng nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai, nhờ động lực từ nhiều yếu tố.

 

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất với nhiều kết quả phục hồi tích cực và vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi với nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai.

Trong báo cáo cập nhật ngành mới đây, bộ phận phân tích Chứng khoán MB (MBS Research) nhận định, một chu kỳ mới của ngành bất động sản đang bắt đầu, dựa trên ba động lực chính. Cụ thể, gồm: Lãi suất thấp, cải thiện cơ sở hạ tầng, và hoàn thiện khung pháp lý.

Theo đó, liên quan đến lãi suất, từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành 4 lần, đưa lãi suất tái cấp vốn hiện tại xuống mức 4,5% (thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 năm 2020). Lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện dao động quanh mức 6,7 - 9,1% (thời điểm giữa năm 2023 dao động trong khoảng 9,3 - 11,4%).

Lãi suất tiền gửi đang có dấu hiệu tăng dần để thu hút thanh khoản (tăng từ 0,1 - 0,7%/năm trong nửa đầu tháng 11/2024), điều này có thể gây áp lực nhẹ lên lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên theo nhóm phân tích, ngay cả khi lãi suất tăng trong ngắn hạn, điều này sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến thị trường bất động sản nhà ở.

Việc lãi suất cho vay tăng vừa phải có thể khuyến khích dòng vốn chảy vào bất động sản dân cư, do kỳ vọng rằng lãi suất đã chạm đáy và tâm lý nhà đầu tư muốn tận dụng chi phí vay vốn tương đối thuận lợi để đầu tư. 

 

Liên quan đến cơ sở hạ tầng, MBS Research cho rằng các khu vực đô thị ngoại ô sẽ được hưởng lợi từ sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng.

 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư công của Hà Nội dự kiến sẽ đạt 340.153 tỷ đồng, tăng 36% so với giai đoạn 2016 - 2020. Đầu tư công năm nay chủ yếu đến từ các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 4 và Vành đai 3.5, nhằm kết nối khu vực trung tâm với khu vực phía Đông, phía Tây Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Sự phát triển cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao lợi thế của các khu đô thị ngoại ô quy mô lớn so với khu vực trung tâm, thông qua việc giảm thời gian di chuyển giữa các khu vực khác nhau.

Còn TP HCM sẽ ưu tiên triển khai 59 dự án giao thông với tổng ngân sách lên tới 231.000 tỷ đồng, tương đương 9,4 tỷ USD. Việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giao thông sẽ giúp giảm áp lực cho các khu vực nội thành.

Các dự án trọng điểm như Sân bay Long Thành (Đồng Nai) và Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ tạo ra triển vọng đầy hứa hẹn cho các dự án bất động sản dân cư tại các tỉnh phía Nam như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước.

 

Cuối cùng, theo MBS, việc thi hành các luật bất động sản sửa đổi kỳ vọng sẽ giải quyết những nút thắt hiện hữu của thị trường. Tuy nhiên, việc thay đổi khung pháp lý dẫn đến sự đánh đổi giữa việc giải quyết các nút thắt pháp lý về nguồn cung (định giá đất, đấu giá đất) và chi phí dự kiến tăng trong toàn bộ quá trình phát triển bất động sản. 

 

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh