Cuối năm 2016, trong nỗ lực giải quyết vấn đề nhà ở giữa lúc thị trường nhà đất nóng ran, chính quyền Bắc Kinh quyết định áp dụng chính sách khống chế mức trần giá bán đối với gần 2/3 tổng số căn hộ mới để giúp người dân có cơ hội mua nhà.
Hưởng ứng chương trình, hàng loạt dự án chung cư giá rẻ mọc lên ở các khu vực ngoại ô của thành phố này. Ba năm sau đó, phần lớn các căn hộ ở các dự án này vẫn còn để trống vì không có người mua.
Đó là một thực tế oái ăm mà nhà chức trách ở Bắc Kinh đang đối mặt. Chính quyền đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nghiêm ngặt để kìm hãm giá nhà ở tăng gần 30% trong 12 tháng trước tháng 9-2016.
Kể từ đó, 60% các lô đất mà chính quyền bán cho các công ty phát triển nhà ở tại Bắc Kinh để xây dựng các khu chung cư có đi kèm theo nhiều ràng buộc.
Chẳng hạn, sau khi chung cư xây dựng xong, họ phải bán các căn hộ với giá không được cao hơn một mức giá nhất định nào đó và 70% số căn hộ trong một dự án phải có diện tích nhỏ hơn 90m2. Khách mua các căn hộ giá rẻ này bị cấm bán lại chúng cho người khác trong vòng 8 năm.
Khống chế giá trần của căn hộ trước khi xây dựng là chính sách chưa có tiền lệ trong lịch sử gần 30 năm trước đó của thị trường nhà đất của Trung Quốc (Trung Quốc hợp pháp hóa quyền sở hữu bất động sản vào năm 1988).
“Tình trạng bán quá chậm ở các dự án căn hộ giá rẻ này gây sốc cho tất cả mọi người”, Zhang Dawei, Giám đốc nghiên cứu ở Công ty tư vấn bất động sản Centaline Group, ở Bắc Kinh, nói.
Vào cuối năm 2016, giá nhà trung bình ở quận Môn Đầu Câu, cách Tử Cấm Thành, trung tâm của Bắc Kinh hai giờ lái xe, cao gần gấp hai lần so với giá nhà ở TP. Jersey, bang New Jersey gần New York. Vì vậy, chính quyền và các nhà phát triển bất động sản ở Bắc Kinh tự tin rằng với mức giá bán thấp hơn mặt bằng chung 20%, căn hộ tại các dự án chung cư giá rẻ sẽ bán chạy như tôm tươi.
Khi các căn hộ đầu tiên trong chương trình nhà ở giá rẻ bắt đầu tung ra thị trường vào giữa năm 2018, một số chủ dự án thậm chí còn không bận tâm đến việc xây dựng các showroom nhà mẫu để mời khách tham quan. Họ tin rằng nhu cầu sẽ rất mạnh và các căn hộ chẳng mấy chốc sẽ được bán hết.
Thực tế, các căn hộ này cũng tạo nên cơn sốt lúc mới ra mắt nhưng chẳng bao lâu sau đó, rơi vào trạng thái ế ẩm.
Nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng xây dựng ở các căn hộ này. Chẳng hạn, có một số căn hộ được bàn giao khi tường còn chưa được ốp gạch, thậm chí chưa được lắp đặt hệ thống điện.
Nhiều dự án căn hộ giá rẻ nằm cách tuyến metro gần nhất đến 3km. Điều này gây bất tiện lớn cho những cặp vợ chng trẻ vốn thường phải dựa vào các phương tiện vận chuyển công cộng để đi làm.
Theo Công ty China Index Holdings, tính đến giữa tháng 12 này, có khoảng 51.000 căn hộ trong chương trình nhà ở giá rẻ ở Bắc Kinh đã được tung ra thị trường nhưng số căn hộ bán được chỉ đạt 46%. Thực tế này khiến ngun cung căn hộ mới ở Bắc Kinh từ chỗ đang thiếu hụt chuyển sang tình trạng dư thừa.
Guo Yi, Giám đốc nghiên cứu của Công ty tư vấn bất động sản United Harvest ở Bắc Kinh cho biết trước đây, cứ mỗi căn hộ mới ở Bắc Kinh sẽ có trung bình hai khách hàng hỏi mua nhưng hiện tại, cứ trung bình hai căn hộ, mới có một khách hàng hỏi mua.
Không chỉ ở Bắc Kinh, tình trạng ế ẩm của các căn hộ trong chương trình nhà ở giá rẻ cũng xuất hiện tại các đô thị khác như Thâm Quyến, Hàng Châu...
Một khách hàng họ Vương cho biết anh đã mua một căn hộ tại dự án chung cư giá rẻ ở ngoại ô quận Đại Hưng nhưng rất thất vọng về các tiện nghi và chất lượng căn hộ. Anh cho biết căn hộ của anh không có đủ ánh sáng vào ban ngày vì các cửa sổ rất nhỏ. Thêm vào đó, nằm sát bên ngoài căn hộ là một tụ điện. Ngoài ra, chỗ đỗ xe của khu chung cư cũng rất chật hẹp.
Để bán những căn hộ giá rẻ nhưng đang ế khách, các chủ đầu tư bắt đầu chạy đua giảm giá đến mức 10%. Zhang Dawei, Giám đốc nghiên cứu ở Công ty tư vấn bất động sản Centaline Group, cho biết các chủ đầu tư chung cư giá rẻ đã bỏ ra khoản tiền lớn để mua đất nên họ phải tìm cách bóp chặt chi phí xây dựng. Ông ước tính khoảng 80% chủ đầu tư trong chương trình nhà ở giá rẻ ở Bắc Kinh sẽ đối mặt với với thua lỗ.