Bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy yếu

16/06/2023 ,14:54
Goldman Sachs cho rằng ngành bất động sản sẽ phục hồi theo hình chữ L, gây trở ngại cho kinh tế Trung Quốc.

Báo cáo nghiên cứu của Goldman Sachs đánh giá các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dường như không muốn sử dụng lĩnh vực bất động sản như công cụ kích thích ngắn hạn. Thay vào đó, họ muốn giảm phụ thuộc kinh tế vào ngành này.

Cùng với đó, nhu cầu nhà ở tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục suy giảm trong nhiều năm do thay đổi nhân khẩu học, khả năng chi trả của người dân cũng như chuyển trọng tâm trong các chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế.

Những lý do này dẫn đến ngành bất động sản được dự báo sẽ phục hồi hình chữ L, tức là có chiều hướng suy giảm. "Dựa trên ước tính của chúng tôi, sự suy yếu của ngành bất động sản có thể sẽ là lực cản tăng trưởng trong nhiều năm đối với Trung Quốc", báo cáo cho biết.

Các chung cư đang được xây dựng ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

 

Tăng trưởng doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 5, xuống chỉ còn 6,7% từ mức hơn 29% hồi tháng 3. Citigroup cũng hạ dự báo thu nhập và giá mục tiêu đối với một số cổ phiếu bất động sản Trung Quốc, với lý do điều kiện thanh khoản và thị trường khó khăn.

Goldman Sachs cho rằng những điểm yếu dai dẳng của ngành chủ yếu do thị trường ảm đạm ở các thành phố cấp thấp và nguồn tài chính hạn hẹp của các nhà phát triển tư nhân mà không có cách nào nhanh chóng để khắc phục.

Trong báo cáo triển vọng giữa năm, Morgan Stanley cũng cảnh báo sự suy yếu hơn nữa trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ gây ra nhiều trở ngại hơn cho tăng trưởng của Trung Quốc.

"Nếu những thách thức trong lĩnh vực bất động sản ngày càng sâu sắc và gây ra tâm lý e ngại, rủi ro trong hệ thống tài chính, cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, thì điều này sẽ khiến Trung Quốc suy thoái sâu hơn", Chetan Ahya, Kinh tế trưởng của Morgan Stanley, nhận định.

Lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 25% nền kinh tế Trung Quốc. Ngành bắt đầu đi xuống vài năm qua do chính sách ba lằn ranh đỏ nhằm hạn chế việc các nhà đầu tư dùng đòn bẩy quá mức, cùng với tác động của Covid-19. Doanh số của100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu năm 2022 chỉ bằng khoảng 64% so với hồi 2019.

Sự phục hồi đầu năm nay chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Bốn tháng đầu năm, đầu tư bất động sản đã giảm 6,2% so với cùng kỳ 2022. Lượng nhà mới được khởi công - thước đo nguồn cung tương lai đã giảm 21% trong giai đoạn này.

Bắc Kinh đang nghiên cứu một loạt các biện pháp mới để hỗ trợ thị trường bất động sản sau khi các chính sách hiện tại không thể duy trì sự phục hồi trong lĩnh vực này, theo nguồn tin của Bloomberg.

Goldman Sachs mong đợi nước này kích cầu bằng cách nới lỏng tín dụng cho những người mua và sửa nhà, giảm lãi vay thế chấp và tỷ lệ trả trước khi mua nhà trả góp, đồng thời nới lỏng hơn nữa các hạn chế mua nhà. Ít nhất 9 thành phố, chủ yếu là các thành phố cấp hai và cấp ba bao gồm Thanh Đảo và Tô Châu, gần đây đã nới lỏng các hạn chế đối với việc cho vay thế chấp và mua nhà.

Dù vậy, ngân hàng đầu tư của Mỹ cho rằng Bắc Kinh không có ý định cố gắng thiết kế một chu kỳ đi lên mới cho bất động sản. Theo các nhà kinh tế, nếu các biện pháp nới lỏng tiền tệ không hỗ trợ được lĩnh vực bất động sản, thì tác động tiêu cực có thể lan tỏa ở phần còn lại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Chetan Ahya, rủi ro giảm giá sẽ xảy ra nếu lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc không ổn định ngay cả khi Bắc Kinh nới lỏng tiền tệ. "Trong kịch bản đó, niềm tin và các điều kiện tài chính ở Trung Quốc sẽ bị thắt chặt. Điều này sẽ có tác động trực tiếp đến tăng trưởng của Trung Quốc, đồng thời lan tỏa tiêu cực ra khu vực", vị chuyên gia nói.

 

Anh Kỳ (theo Bloomberg, CNBC, SCMP)