Để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình xây nhà, chủ nhà nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt đầu làm nhà.Từ xưa đến nay, xây nhà vốn luôn là một việc trọng đại trong cuộc đời của mỗi người. Việc thì trọng đại, nhưng kinh nghiệm và kiến thức xây nhà thì không phải là ai cũng biết, thế nên không ít chủ nhà cứ nhắm mắt làm theo kiểu may rủi:
“Thôi, mình không có kinh nghiệm về cái này nên cứ kiếm ai thân quen đang làm nghề xây dựng thì giao cho người đó xây nhà cho mình !”. Cách xây nhà theo kiểu nói trên đã khiến cho không ít chủ nhà sau khi xây xong thì tặc lưỡi: “Biết thế này lúc đầu mình sẽ…”. Thậm chí không ít trường hợp tình bạn bè, anh em, chú cháu cũng mất sau khi căn nhà được xây xong. Nêu ra những trường hợp trên chẳng phải để hù dọa những ai đang chuẩn bị xây nhà, mà đơn giản đó chỉ là những tình huống mà chủ nhà có thể sẽ gặp phải trong quá trình xây nhà của mình.
Để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình xây nhà, chủ nhà nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt đầu làm nhà. Thế nhưng chuẩn bị kỹ lưỡng là chuẩn bị cái gì đây Sau đây là một số kinh nghiệm chia sẻ những nội dung cần phải chuẩn bị trước khi xây nhà:
Thứ nhất, cần phải nắm rõ quy trình các bước thực hiện một căn nhà: Nắm rõ quy trình xây nhà giúp bạn hình dung rõ ràng hơn các nội dung cần phải chuẩn bị tại mỗi thời điểm. Hiện nay, xây nhà không chỉ đơn giản là xây dựng tùy theo ý thích của chủ nhà mà còn chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước có liên quan. Do đó, nếu muốn đảm bảo căn nhà của mình không vướng phải những rủi ro pháp lý trong quá trình xây dựng thì đòi hỏi chủ nhà phải nắm bắt được những quy định của pháp luật về việc xây nhà như : quy định cấp phép xây dựng, quy định trong khi thi công, xử lý những trường hợp xây sai giấy phép…
Ngoài ra, nếu không hình dung trước về quy trình các bước cần thực hiện trước khi xây nhà thì gần như chắc chắn rằng quá trình xây nhà của bạn sẽ có nhiều công đoạn phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh như vậy không chỉ làm cho căn nhà bị phát sinh chi phí, chậm trễ tiến độ, dễ mâu thuẫn với thợ thuyền mà có khi còn ảnh hưởng đến kết cấu và chất lượng của căn nhà.
Thứ hai, cần dự trù và quản lý chi phí xây nhà hợp lý: một vấn đề cũng thường xảy ra là việc phát sinh chi phí so với số tiền dự trù, mà nguyên nhân vấn đề hay bắt ngun từ khả năng ước tính và quản lý chi phí yếu kém của chủ nhà. Muốn ước tính chi phí một cách tương đối chính xác đòi hỏi chủ nhà phải có một cái nhìn tổng thể về các khoản mục chi phí từ khi mua đất cho đến khi hoàn thành căn nhà và đi vào sử dụng. Bên cạnh việc dự trù, chủ nhà cũng cần phải luôn bám sát kế hoạch chi phí đã lập ra trong giai đoạn mua sắm các vật tư hoàn thiện, tránh tư tưởng “đời người làm nhà chỉ có một lần nên cái gì cũng ráng thêm một chút nữa cho tốt”.