Những quy định mới tác động đến các ngân hàng trong năm 2024

04/12/2024 ,11:51

Trong năm 2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực đã và đang tác động lớn tới hoạt động của toàn ngành ngân hàng.

1. Cấm ngân hàng bán loại bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay

Mục 5, điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 nghiêm cấm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. 

Theo MBS, quy định này sẽ khiến hoạt động bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019 - 2021. Các chuyên viên phân tích cho rằng nhóm các ngân hàng TMCP có tỷ trọng thu nhập bảo hiểm cao trong tổng thu nhập ngoài lãi cao như VIB, ACB… sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

2. Chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học

Tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các TCTD triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên internet từ ngày 1/7/2024.

Trong đó, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh rất nhiều sự vụ liên quan đến việc người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng nhiều thủ đoạn và công nghệ ngày càng tinh vi. Thống kê của cơ quan quản lý cho thấy, có 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng.

Theo đại diện NHNN, trước mắt quy định này có thể sẽ gây khó khăn cho một số tổ chức tín dụng nhưng vì lợi ích chung, lợi ích của cả cộng đồng và cả xã hội, bảo vệ an toàn tiền gửi của người dân thì việc này bắt buộc phải làm.

3. Công bố thông tin danh sách cổ đông và người liên quan sở hữu từ 1% vốn điều lệ 

Theo quy định, các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD phải cung cấp thông tin. Đồng thời các TCTD phải thực hiện công bố công khai minh bạch thông tin của các cổ đông này.

Giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Cổ đông lớn và người có liên quan xuống còn 5% vốn điều lệ của TCTD. Đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ không áp dụng các quy định như trên mà sẽ theo phê duyệt của Chính phủ.

Theo các chuyên gia phân tích, quy định này sẽ giúp hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau. Trên thực tế tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ này đang cao hơn mức trần quy định.

Theo quy định hiện tại, trong trường hợp nhóm này đang sở hữu cổ phần vượt mức theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

4. Ngân hàng được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ

Kể từ ngày 1/1/2025, TCTD được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản (BĐS) là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS theo quy định của pháp luật.

Đánh giá về quy định xử lý tài sản đảm bảo, các chuyên gia cho rằng ngân hàng sẽ có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý. Từ đó, dòng tiền của các doanh nghiệp BĐS có thể được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm nhà băng niêm yết có tỷ lệ cho vay BĐS cao như Techcombank, MB, VPBank, SHB, HDBank,...

 Ảnh minh hoạ: ABBank.

 

5. NHNN cho vay đặc biệt đối với TCTD bị rút tiền hàng loạt

Thông tư 37/2024/TT-NHNN quy định về các trường hợp cho vay đặc biệt đối với các TCTD. Việc cho vay đặc biệt này không bao gồm khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm theo quy định của Luật các TCTD.

Với NHNN, nguồn tiền được lấy từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền và sẽ cho vay đặc biệt đối với các TCTD trong các trường hợp cụ thể.

NHNN cho biết các TCTD sẽ được vay đặc biệt trong trường hợp bị rút tiền hàng loạt nhằm mục đích chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.

6. Ngân hàng không được khuyến mại trái pháp luật khi nhận tiền gửi

Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hiệu lực từ ngày 20/11/2024.

Một trong những nội dung tại Điều 3 tại Thông tư, quy định TCTD khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật. Thông tư này thay thế Thông tư 08 năm 2014 quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD.

Đồng thời, Thông tư 48 yêu cầu TCTD niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của TCTD và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có). 

Các quy định về khuyến mại trong ngành ngân hàng được thiết lập để bảo vệ lợi ích của khách hàng, duy trì sự ổn định tài chính và đảm bảo sự công bằng trong việc cung cấp dịch vụ.

7. Sửa đổi quy định về lãi suất rút trước hạn tiền gửi

Thông tư 47/2024/TT-NHNN sửa đổi quy định về lãi suất khi rút trước hạn tiền gửi tại TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các hình thức tiền gửi rút trước hạn bao gồm tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, và các hình thức khác theo Luật Các TCTD. 

Rút toàn bộ tiền gửi sẽ áp dụng lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD tại thời điểm rút; Rút một phần tiền gửi phần rút trước hạn áp dụng lãi suất không kỳ hạn thấp nhất, phần còn lại áp dụng lãi suất theo hợp đồng tiền gửi.

Điều này đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho khách hàng khi rút tiền trước hạn. Việc sửa đổi quy định về lãi suất rút trước hạn tiền gửi không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền mà còn đảm bảo tính ổn định và bền vững cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

8. Đề xuất quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại

NHNN đang dự thảo Thông tư quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dự thảo yêu cầu các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập hằng năm để kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) và thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày BCTC. 

Ngoài ra, việc kiểm toán BCTC bán niên, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và các công việc kiểm toán khác (nếu có) phải tuân theo quy định pháp luật liên quan. NHNN khuyến khích các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập để đảm bảo an toàn trong hoạt động của mình.

9. Đề xuất quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng lên 10,5%

NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dự thảo được xây dựng dựa trên Thông tư 41/2016/TT-NHNN, cập nhật theo Chuẩn mực Basel III (2017). Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được đề xuất là 10,5%, với các yếu tố như vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 4,5%, và vốn đệm bảo toàn vốn 2,5%.

Dự thảo đưa ra hai phương án tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, bắt đầu từ 8% và đạt 10,5% vào năm 2033. Thống đốc NHNN có quyền quyết định tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ từ 0-2,5%, tùy tình hình thị trường.

Theo đánh giá, quy định này giúp nâng cao chất lượng vốn và năng lực thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tạo nền tảng phát triển ổn định và giảm thiểu rủi ro tài chính, đồng thời phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

 

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh 

Tin cùng danh mục

Tin mới nhất