Theo ghi nhận, dù tình trạng bán cắt lỗ đất nền phía Nam đã giảm rõ nét so với thời điểm giữa năm 2023. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn khổ tâm vì bán dưới giá vốn nhưng không ai mua.
Chia sẻ câu chuyện của mình, anh H, ngụ tại quận 7 (Tp.HCM) cho biết, anh tham gia đầu tư đất nền khu ven Tp.HCM từ giữa năm 2021. Vài lần anh góp vốn cùng bạn bè mua đất rồi lướt sóng thì bán ra được. Mức lời khoảng vài chục đến trăm triệu đồng/lô. Tuy nhiên, vào cuối năm 2021, anh tự bỏ tiền mua nền đất với giá 2.1 tỉ đồng/diện tích 60m2 thì cũng từ đó đến nay, lô đất chưa về mức giá mua vào. “Không những lỗ giá mà tôi rao bán không ai mua”, anh H tâm sự.
Theo nhà đầu tư này, anh vay ngân hàng 800 triệu đồng để mua lô đất, trả lãi – gốc hàng tháng trên 10 triệu đồng suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau nhiều lần rao bán giá quanh ngưỡng 2.2-2.4 tỉ đồng/nền nhưng không ai mua, vào tháng 12/2023, anh H đã hạ giá lô đất xuống 2 tỉ đồng/nền nhưng vẫn không thể bán được.
Cũng là người “ôm hàng” trong cơn sốt đất vườn, nhóm đầu tư của anh Tr hiện đang “mắc kẹt” với tài sản tại thị trường tỉnh lân cận Tp.HCM. Một số lô đất vườn có diện tích 2.000-3.000m2 nếu bán ra được, nhà đầu tư phải chịu lỗ khoảng 30-50% so với giá mua vào. Anh Tr cho biết, vào giữa năm 2023, nhóm anh em rao bán bớt 1-2 tài sản, chấp nhận lỗ gần 40% giá mua vào nhưng bán suốt thời gian dài vẫn không có người vào “chốt”. Hiểu rõ rằng thị trường khó bán ra do thanh khoản yếu, nhóm đầu tư này chấp nhận giữ hàng và chờ thêm thị trường.
Trong báo cáo thị trường gần đây, các đơn vị nghiên cứu đều cho rằng, phân khúc đất nền đã hồi phục sức cầu. Mức độ quan tâm tăng so với thời điểm trước. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, dữ liệu tăng trưởng này hầu hết ở một vài khu vực của thị trường phía Bắc. Trong khi thị trường phía Nam, mức độ hồi phục còn khá chậm hoặc dữ liệu chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm, chưa đưa ra quyết định mua.
Theo chia sẻ của một môi giới chuyên nhà đất Tp.HCM, hiện tại giá đất nền, nhà riêng chưa hồi phục lại mức giá của đầu năm 2022. Khoảng cách giá vẫn còn chênh lệch nhau khoảng 10-20%, tùy vào mỗi khu vực. Các nền đất bán ra nếu giữ giá của thời điểm 2021-2022 vẫn khó bán.
Cũng theo môi giới này, các Luật mới có hiệu lực chưa tác động nhiều đến thanh khoản thị trường. Nguồn hàng cũ nhà đầu tư gửi môi giới còn khá nhiều. Nếu bên bán không điều chỉnh giá rõ nét thì sức cầu vẫn khá chậm. Thị trường đã xuất hiện các nhóm đầu tư muốn mua nhiều sản phẩm cùng lúc nhưng khi vào thương lượng, họ sẽ “ép giá” bên bán. Phần lớn, người bán sẽ không bán giá lỗ sâu. Bên mua cũng không mua được như giá kì vọng. Vì vậy, theo chia sẻ của môi giới, giao dịch hiện tại vẫn cầm chừng. Môi giới không dễ chốt giao dịch mặc dù thị trường đã có những thông tin tích cực.
Chia sẻ về thời điểm giá bán hồi lại và bên bán dễ ra hàng như thời điểm trước, một nam môi giới kiêm nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm cho rằng, gần hai năm nay, thị trường nhà đất phía Nam đã xảy ra tình trạng trồi – sụt sức cầu và giá bán. Điều này hiếm khi xuất hiện trong vòng 10 năm trở lại đây, cho thấy, thị trường đã có sự điều chỉnh lại để phù hợp giữa bên bán và bên mua. Nhà đất phía Nam phải mất thêm một khoảng thời gian để hồi phục lại mức giá như giai đoạn trước.
"Tuy nhiên, quan sát tổng thể thị trường, mức độ biến động giá phụ thuộc vào khẩu vị người mua và vị trí tọa lạc của tài sản. Bên cạnh các nhà đầu tư hạ giá đất nền nhưng không thể bán thì không ít bất động sản vẫn âm thầm tăng trưởng giá và có giao dịch nhanh khi rao bán. Thị trường kì vọng lấy đà từ đầu năm 2025", môi giới này nhấn mạnh.
Theo Nhịp sống thị trường