Theo số liệu từ Real Capital Analytics và Cushman & Wakefield Inc, đây là lần đầu tiên Singapore vượt qua Trung Hoa Đại lục để trở thành nhà đầu tư châu Á lớn nhất tại thị trường BĐS thương mại Mỹ kể từ năm 2012. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các nhà đầu tư Trung Quốc gặp những kiểm soát gắt gao của chính quyền nước này trong việc chuyển tiền ra nước ngoài, khiến dòng tiền đổ vào BĐS Mỹ giảm 66%, xuống còn 5,9 tỷ đô trong năm 2017.
Mặt khác, nếu như trong năm 2016, các nhà đầu tư Singapore dành 3,31 tỷ đô vào các hoạt động đầu tư tại thị trường BĐS Mỹ thì năm 2017, con số này đã tăng lên 9,54 tỷ đô, gần gấp 3 lần.
Priyaranjan Kumar, Giám đốc thị trường vốn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Cushman & Wakefield Inc cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng Singapore sẽ tiếp tục là nhà đầu tư châu Á lớn nhất đầu tư vào thị trường BĐS Mỹ trong thời gian tới”. Theo ông Priyaranjan Kumar, dòng tiền đầu tư từ Singapore thường liên quan tới các trung tâm dữ liệu, xây dựng khu nội trú cho sinh viên và logistics.
Singapore "vượt mặt" Trung Quốc trở thành nhà đầu tư châu Á lớn nhất tại thị trường BĐS Mỹ |
Trong số các khoản đầu tư nổi bật từ Singapore vào Mỹ, quỹ đầu tư nước ngoài GIC Pte chiếm tới gần 3/4 lượng vốn đầu tư từ quốc gia châu Á này khi thực hiện nhiều thương vụ mua sắm BĐS đình đám. Đặc biệt phải kể tới việc GIC Pte mua 95% cổ phần tại tòa nhà 60 phố Wall cao 47 tầng, hiện đang là trụ sở chính của Deutsche Bank AG và hàng loạt các ký túc xá sinh viên khác.
Bên cạnh GIC, các nhà đầu tư Singapore mua BĐS tại Mỹ còn bao gm các nhà phát triển BĐS, công ty logistic, quỹ đầu tư. Trong năm 2017, Singapore giữ vị trí thứ 3 trong số các khách hàng lớn của thị trường BĐS Mỹ, đứng sau Canada và Pháp.
Trong năm 2017, hoạt động đầu tư nước ngoài tại thị trường BĐS toàn cầu của Singapore tăng lên mức kỷ lục |
Ngoài ra, các khoản đầu tư vào thị trường BĐS thương mại toàn cầu từ Singapore cũng tăng khoảng 40%, lên 28,4 tỷ đô trong năm 2017, vượt qua kỷ lục được thiết lập năm 2015.
Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường BĐS CBRE, với việc các nhà đầu tư tổ chức của Singapore đẩy mạnh hoạt động đầu tư đa dạng hơn ra thị trường nước ngoài trong năm 2018, xu hướng tương tự sẽ diễn ra. Trong khi đó, Yvonne Siew, Giám đốc tư vấn vốn khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, hiện Trung Quốc vẫn duy trì việc kiểm soát dòng vốn.