Chứng khoán là khái niệm được dùng khi đề cập đến các sản phẩm tài chính xác nhận sở hữu hợp pháp đối với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành. Chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ, chứng quyền...
- Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu và lợi ích của người nắm giữ cổ phiếu đối với một phần vốn của doanh nghiệp phát hành. Người nắm giữ cổ phiếu trở thành cổ đông của công ty phát hành và được hưởng cổ tức (không cố định, phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp).
- Trái phiếu là loại chứng khoán quy định nghĩa vụ nợ của cơ quan phát hành trái phiếu (doanh nghiệp hoặc chính phủ) đối với người sở hữu trái phiếu. Người mua và sở hữu trái phiếu còn được gọi là trái chủ. Trái chủ được chi trả một khoản tỷ lệ lợi suất nhất định và không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Theo đối tượng sở hữu
- Cổ phiếu ghi danh: là loại cổ phiếu ghi rõ tên người sở hữu. Việc chuyển nhượng cổ phiếu hình thức này tương đối phức tạp, nhà đầu tư cần hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
- Cổ phiếu vô danh: là loại cổ phiếu không ghi tên người sở hữu. Nhà đầu tư có thể tự do chuyển nhượng cổ phiếu vô danh mà không cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan.
Theo hình thức sở hữu
- Cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông): loại phổ biến trên thị trường, người nắm giữ có quyền dự họp ĐHCĐ, có quyền biểu quyết những vấn đề lớn của công ty, được nhận cổ tức.
- Cổ phiếu ưu đãi (Preferred Stock): là loại cổ phiếu mang lại những ưu đãi cho người sở hữu, nhưng cũng có những hạn chế so với cổ phiếu phổ thông. Trên thị trường hiện nay có 5 loại cổ phiếu ưu đãi sau:
+ Cổ phiếu ưu đãi thông thường: nhà đầu tư sẽ nhận được một số ưu đãi như được hưởng thêm cổ tức, có nhiều quyền biểu quyết hơn.
+ Cổ phiếu ưu đãi tích lũy: có thể đảm bảo lượng cổ tức mà cổ đông được nhận. Trong trường hợp tình hình kinh doanh của công ty gặp khó khăn, không thể chi trả đầy đủ cổ tức cho cổ đông thì số cổ tức còn thiếu sẽ được cộng dồn và trả bù.
+ Cổ phiếu ưu đãi tham dự: chủ sở hữu nhận thêm cổ tức khi doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt.
+ Cổ phiếu ưu đãi có thể mua lại: là cổ phiếu mà doanh nghiệp có thể mua lại từ nhà đầu tư bất kỳ lúc nào.
+ Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi: cho phép người sở hữu chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi đang nắm giữ sang loại cổ phiếu khác (ví dụ như cổ phiếu thường).
- Cổ phiếu quỹ: loại cổ phiếu được sở hữu bởi chính doanh nghiệp phát hành nó. Khối lượng cổ phiếu quỹ được mua lại sẽ không được tính vào lượng cổ phiếu lưu hành. Việc thu mua cổ phiếu quỹ cũng có một số quy định như lượng cổ phiếu tối đa được mua và điều kiện mua – bán cụ thể.
Cổ phiếu quỹ thường được mua với một số mục đích như: phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên; Kích cầu thị trường nhằm bình ổn giá cổ phiếu khi thị trường đi xuống.; Đảm bảo lợi ích cho cổ đông hiện hữu (khối lượng cổ phiếu lưu hành giảm đi khiến một vài chỉ số như ROE, EPS tăng lên).
- Cổ phiếu penny: nhóm cổ phiếu có mệnh giá nhỏ, thường chỉ khoảng dưới 10.000đ/cổ phiếu. Chúng thường được phát hành bởi những doanh nghiệp nhỏ, vốn hoá dưới 1.000 tỷ đồng. Loại cổ phiếu này có sự biến động giá lớn, có thể tăng giá nhanh nếu doanh nghiệp phát hành có nhiều thông tin tích cực.
Tuy nhiên, được phát hành bởi công ty nhỏ, gặp rủi ro phá sản, kinh doanh thua lỗ nên các cổ phiếu penny thường được dùng để lướt sóng hơn là đầu tư dài hạn.
- Cổ phiếu blue chip là những cổ phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp có vốn hoá lớn (trên 10.000 tỷ), các mã cổ phiếu này thường có tính ổn định và thanh khoản cao, ít khi có sự biến động giá mạnh, thích hợp để đầu tư dài hơn hơn là lướt sóng.
- Cổ phiếu ESOP (Employee Stock Ownership Plan): là loại cổ phiếu đặc biệt được phát hành dành riêng cho cán bộ nhân viên có đóng góp lớn với doanh nghiệp. Thông thường, cổ phiếu ESOP được phát hành sẽ có mức giá ưu đãi hơn rất nhiều so với thị trường.
- Cổ phiếu OTC: loại cổ phiếu được giao dịch phi tập trung, tức không có bất kỳ một sàn hoặc thị trường cụ thể nào được xây dựng làm trung gian. Mọi hoạt động giao dịch cổ phiếu được thực hiện qua sự trao đổi giữa người mua và người bán.
Các cổ phiếu OTC thường thuộc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán. Việc giao dịch cổ phiếu OTC được thực hiện theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”. Không có bất kỳ một giới hạn nào về giá hay khối lượng giao dịch được đưa ra.
Theo chủ thể phát hành:
- Trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho NSNN hoặc các chương trình, dự án thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước. Loại này thường có lãi suất thấp nhưng ít rủi ro nhất.
- Trái phiếu chính quyền địa phương do UBND tỉnh, thành phố phát hành với kỳ hạn từ một năm trở lên nhằm huy động vốn cho công trình, dự án đầu tư của địa phương. Nguồn tiền hoàn trả trái phiếu thường là nguồn thu ngân sách địa phương.
-Trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp (trong đó bao gồm ngân hàng) phát hành để đáp ứng nhu cầu vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ.
Theo tính chất trái phiếu:
- Trái phiếu chuyển đổi (chỉ có ý nghĩa khi chủ thể phát hành là doanh nghiệp) là loại có thể chuyển thành cổ phiếu tại một thời điểm trong tương lai, thường có lãi suất thấp nhưng thu hút nhà đầu bởi tỷ lệ chuyển đổi hấp dẫn.
- Trái phiếu không chuyển đổi có tính chất ngược lại.
Theo lợi tức trái phiếu:
- Trái phiếu lãi suất cố định là loại trái phiếu đã xác định lợi tức (%) và các đợt trả lãi trong suốt kỳ hạn trái phiếu trên hợp đồng giao dịch trái phiếu.
- Trái phiếu lãi suất thả nổi là loại trái phiếu có một mức lợi tức xác định trước, cộng thêm một khoản lợi tức biến động theo lãi suất tham chiếu. Các doanh nghiệp trong nước thường chọn lãi suất tham chiếu là lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.
- Trái phiếu có lãi suất bằng không là loại trái phiếu mà trái chủ không nhận lợi tức, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn.
Theo phương thức đảm bảo:
- Trái phiếu có tài sản đảm bảo là loại trái phiếu mà tổ chức phát hành dùng tài sản như bất động sản, máy móc – thiết bị, cổ phiếu để đảm bảo cho việc phát hành. Thông thường tài sản cầm cố có giá trị thị trường lớn hơn mệnh giá trái phiếu đã phát hành. Trong trường hợp tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán, trái chủ có quyền phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi số tiền còn nợ.
- Trái phiếu không có tài sản đảm bảo có tính chất ngược lại nên mức độ rủi ro cao hơn.
Tiêu chí |
Cổ phiếu |
Trái phiếu |
Khái niệm |
Loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành. |
Loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành. |
Bản chất |
Là chứng chỉ vốn, người sở hữu là cổ đông. |
Là chứng chỉ nợ, người sở hữu là chủ nợ. |
Chủ thể phát hành |
Công ty Cổ phần |
Công ty Cổ phần, Công ty TNHH |
Quyền lợi của chủ sở hữu |
- Được chia cổ tức) nhưng không ổn định mà phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty - Tham gia vào việc quản lý và điều hành hoạt động của công ty, tham gia biểu quyết các vấn đề của công ty (trừ cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại). |
- Được trả lãi định kì, ổn định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty - Không có quyền tham gia các hoạt động của công ty |
Thời gian sở hữu |
Không có thời hạn cụ thể |
Có thời hạn cụ thể |
Kết quả của việc phát hành |
Làm tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần và làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu |
Làm tăng vốn vay, nghĩa vụ trả nợ của công ty nhưng không làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu |
Khi công ty giải thể, phá sản |
Vốn góp của cổ đông được thanh toán sau cùng khi đã thanh toán hết các nghĩa vụ khác |
Được ưu tiên thanh toán trước cổ phiếu |
Phương Vũ (TH)